Đánh giá về tình hình lực lượng của đội tuyển Việt Nam trước khi bước vào tranh tài tại SEA Games 30, nhiều độc giả VnExpress bày tỏ sự lo ngại đến sự quá tải của các tuyển thủ quốc gia:
SEA Games đá hai ngày/ trận, đá trên sân cỏ nhân tạo và chỉ được mang tối đa 20 người. Đó là quy định dành cho các giải phong trào vì cầu thủ chuyên nghiệp thi đấu trong điều kiện như vậy rất dễ chấn thương, khó hồi phục. Đó là lý do các HLV đẳng cấp như thầy Park hay Nishino không hài lòng. Nhiều người bảo Việt Nam hãy thực tế về trình độ của mình, nhưng đem các tuyển thủ quốc gia xuống thi đấu một giải đấu phong trào như vậy để cố lấy cho được tấm huy chương Vàng, mà không màng đến những rủi ro có thể xảy ra liệu có đáng? Những cầu thủ như Quang Hải đã thì đấu hơn 50 trận/ năm, ngang ngửa bất kỳ cầu thủ chuyên nghiệp nào của châu Âu, có đáng phải gồng gánh cả sân chơi nghiệp dư này khi mà trước mắt là giải U23 châu Á rồi vòng loại World Cup vẫn đang căng thẳng? Nếu Quang Hải chấn thương, bỏ lỡ các giải trên thì có 10 cái HCV "ao làng" này cũng không đáng.
(Xem thêm: 'Tiền đạo nhập tịch sẽ giúp tuyển Việt Nam vượt qua vòng loại World Cup')
VFF bệnh thành tích đã đành, người hâm mộ cũng nên suy nghĩ thấu đáo, sự phát triển của một nền bóng đá không chỉ ở thành tích, mà là quá trình hội nhập với bóng đá đỉnh cao, có cạnh tranh ở các sân chơi lớn thì mới thay đổi, vươn tầm được. Cầu thủ Việt tài năng nhưng cứ mãi tập trung các giải phong trào thì đâu ai thừa nhận? Làm sao nghĩ đến chuyện ra nước ngoài thi đấu? SEA Games khi đã quy hoạch là sân chơi phong trào thì lẽ ra nên là chỗ cho các cầu thủ trẻ tiềm năng nỗ lực cạnh tranh, không nên là chỗ để chạy đua thành tích, tôi thật sự mong VFF và một bộ phận người hâm mộ hãy thay đổi suy nghĩ.
Không phải xem thường giải SEA Games, nhưng hãy lấy nó để các cầu thủ trẻ tích luỹ kinh nghiệm, làm nền móng cho đội tuyển Quốc gia. Thử hỏi, cứ kéo các tuyển thủ Quốc gia về đá giải trẻ không quá trọng, nếu họ chấn thương thì ai thay thế? Trong khi sau SEA Games một tháng là đá U23 châu Á, nếu đá SEA Games không cẩn thận dẫn đến chấn thương thì có phải tự làm yếu mình hay không? Rồi còn gọi Trọng Hoàng, Hùng Dũng về đá, thì tới U23 châu Á, hai vị trí đó có phải đang thiếu sự cọ xát cần thiết không? Chưa kể Văn Hậu cũng không tham gia.
Như vậy coi như tới U23 châu Á, chúng ta có ba vị trí không được thi đấu cọ xát thường xuyên trước giải. Những người yêu cầu giành vàng SEA Games năm nay mới có cái nhìn hạn hẹp. Nếu hai giải đấu gần nhau thì cần phải xem giải nào quan trọng để tập trung đá, chứ cố đá sống chết ở SEA Games làm gì khi U23 châu Á đang đến gần? Nếu chỉ đá tham gia mỗi SEA Games thì được, cứ cố sức mà tranh tài. Nên nhớ U23 châu Á còn phía sau.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.