Ca sĩ tâm sự về cuộc sống, âm nhạc, nỗi đau mất người thân trước ngày thực hiện concert Hà Show ở Nhà hát Lớn Hà Nội, tối 28, 29 và 30/5.
- Chuẩn bị cho đêm nhạc sau hơn một tháng bố qua đời, anh trải qua những cung bậc cảm xúc nào?
- Trước khi bố mất, bà nội tôi cũng qua đời. Liên tiếp chia tay hai người thân, tôi suy sụp nhưng không dám gục ngã để làm chỗ dựa cho mẹ. Những ngày qua, tôi gặp áp lực cân bằng công việc và cuộc sống, âm nhạc là liều thuốc duy nhất an ủi tinh thần. Tôi nghĩ nếu cứ chìm trong u sầu, chẳng biết bao giờ bản thân mới gượng dậy. Mong ước lớn nhất của người ra đi là người ở lại hạnh phúc, không quá đau buồn. Tôi muốn thực hiện chương trình thật tốt, thay lời tri ân bố. Ông là người truyền cho tôi tình yêu, năng khiếu âm nhạc.
Bố tôi ốm nặng khoảng bốn tháng. Cả gia đình đều xác định tâm lý nhưng không tránh khỏi đau thương. Mẹ tôi cũng gan lỳ, ít rơi nước mắt trước mặt các con. Thời gian bố nằm viện, tôi chuyển hẳn ra Hà Nội sống cùng gia đình, tranh thủ từng phút giây ở bên ông. Cuối đời, dù sức khỏe suy kiệt, ông vẫn muốn giữ hình ảnh đẹp của người nghệ sĩ. Ông sợ xấu, cố gắng tự vệ sinh cơ thể, không phiền các con. Nhiều ngày, bố ốm nặng, không thể đi lại, tôi hát để an ủi ông. Nghe giọng con, ông không nói gì, chỉ rơi nước mắt.
- Bố ảnh hưởng thế nào đến con đường nghệ thuật của anh?
- Tôi có năng khiếu nghệ thuật nhờ lớn lên trong môi trường âm nhạc. Lúc tôi hơn một tuổi đã lẫm chẫm bám vào giá nhạc của bố. Sau này, ông không trực tiếp dạy tôi kỹ thuật nhưng tạo điều kiện cho con theo đuổi đam mê. Gia đình tôi không quá giàu nhưng bố mẹ luôn chắt chiu cho tôi đi sinh hoạt ở cung thiếu nhi, học với các thầy cô có chuyên môn. Tôi nhớ hơn 30 năm trước, bố mẹ đi công tác Sài Gòn, bán chiếc lắc tay một cây vàng, mua cho tôi đàn organ. Sau này, tôi tự quyết định mọi bước đi trong sự nghiệp, nhưng ông luôn ở sau theo dõi sự nghiệp của tôi.
Trước đây, ông từng chỉ huy dàn nhạc của Tổng cục Chính trị, làm lãnh đạo Đoàn Múa rối Hà Tây (cũ). Sau này, bố chuyển sang kinh doanh nhưng vẫn giữ tình yêu âm nhạc. Ông viết tặng tôi nhiều ca khúc. Mỗi lần có sáng tác mới, ông đều hát cho con trai nghe đầu tiên. Hai bố con trao đổi về lời ca, giai điệu. Nhiều lúc, tôi nói chưa thích chỗ này chỗ kia, ông đều chiều lòng, sửa theo ý con. Bố qua đời, tôi mất một tri kỷ trong cuộc sống lẫn âm nhạc.
- Kỷ niệm nào với bố khiến anh ghi nhớ?
- Tôi ít chia sẻ về bố hơn mẹ và bà nội, có thể thoải mái ôm mẹ, bà nhưng lại ít khi thể hiện tình cảm với bố. Dù vậy, tôi luôn dành một góc trân trọng trong trái tim cho ông.
Bố tôi từng là nghệ sĩ cello. Hồi còn nhỏ, anh em tôi lấy gậy kéo đàn đánh nhau, làm gẫy của bố. Chiếc đàn hồi ấy là cả một gia tài. Bố tức giận nhưng chỉ cuộn tờ báo lại đánh. Bố rất hiền, chiều con cái. Mỗi lần cần xin tiền đi chơi, chúng tôi đều hỏi bố, không dám hỏi mẹ. Ông sẽ nói: "Ở trong túi áo ấy, con lấy mà dùng". Mẹ thì nghiêm khắc hơn, bà luôn có roi mây vót sẵn, sẵn sàng cho ăn đòn lên bờ xuống ruộng.
- Nhạc sĩ còn dự định gì muốn anh và gia đình hoàn thành?
- Những ngày ông nằm trong viện, tôi và mẹ, các anh chị hỏi tâm nguyện, ông đều lắc đầu. Tôi nghĩ bố đã sống một cuộc đời viên mãn. Bản thân các anh chị và tôi cũng có những thành tựu nhất định, khiến ông tự hào. Khi còn sống, ông chưa từng trách tôi chuyện chưa lập gia đình, cũng không giục giã tôi yêu đương, lấy vợ.
Ông mất, tôi nhớ những câu hát ông để lại cho đời. Chẳng hạn, trong bài Nghe tiếng chuông chùa, ông viết: "Đừng làm những điều ác, tâm hồn tựa cánh diều bay Tây phương cực lạc viên thành đạo trời". Tôi nghĩ mong ước lớn nhất của ông là gia đình sống thiện mà thôi.
- Anh dự định giữ gìn gia tài âm nhạc của bố thế nào?
- Tôi không biểu diễn bài nào của bố trong liveshow mới, bởi sợ không kiềm chế được cảm xúc, đổ bể chương trình. Ông viết nhiều về Hà Nội. Những năm gần đây, nhờ tôi gợi ý, ông viết thêm đề tài Phật giáo. Tôi nghĩ nhạc của ông mang tính hướng thiện, phù hợp trình diễn trong nhiều chương trình. Tôi sẽ hát các tác phẩm này khi tâm trạng hoàn toàn ổn định, ở những không gian phù hợp.
Hà Thu