Quảng cáo này dẫn khách hàng tới một website với câu khẩu hiệu có lẽ khiến cộng đồng mã nguồn mở cảm thấy “ngứa ngáy”: “Các công ty hàng đầu và các nhà phân tích độc lập đều xác nhận Windows có tổng chi phí thấp hơn và tốt hơn Linux”.
Dưới đó, Microsoft giới thiệu nhiều công trình nghiên cứu, phân tích kinh doanh và kết quả thí nghiệm. Chúng gồm các ấn phẩm như "Chi phí nhân công khiến Windows có lợi thế so với Linux” hay “Vận hành WinTel Server rẻ hơn 10 lần so với máy chủ Linux".
Theo phát ngôn viên của Microsoft, chương trình này cung cấp cho khách hàng thông tin về giá trị và chi phí của các sản phẩm để họ lựa chọn dễ dàng hơn. Bà cũng cho biết nó sẽ kéo dài 6 tháng, song từ chối tiết lộ chi phí.
Đây là một phần trong kế hoạch của Martin Taylor, người đảm nhận xây dựng chiến lược Linux và mã nguồn mở của Microsoft. Khi nhậm chức hồi tháng 7, ông từng nói sẽ cố gắng công bố những tài liệu khẳng định phần mềm của Microsoft vượt trội mã nguồn mở.
Tuy nhiên, kế hoạch của Taylor nhằm cung cấp “bằng chứng và nghiên cứu của bên thứ ba”, vốn hầu hết do Microsoft trả tiền, đôi khi không mấy thuận lợi. Trên thực tế, sau khi nhận tài trợ và xuất bản công trình chứng minh Microsoft có lợi thế chi phí so với J2EE/Linux, hãng Forrester Research nói sẽ không bao giờ làm như vậy nữa.
Microsoft lâu nay đã mất nhiều khách hàng béo bở như chính phủ các nước Anh, Brazil, Nhật, Hàn Quốc, Nga và mới đây nhất là Israel. Không chịu ngồi nhìn thất bại, hãng đang nỗ lực vận động chính phủ các nước không chạy theo Linux và mã nguồn mở. Tháng 1 năm ngoái, họ công bố chương trình Government Security Program, bước đầu cho phép khách hàng tiếp cận mã nguồn Windows nhằm “đáp ứng các yêu cầu bảo mật riêng của chính phủ và các tổ chức quốc tế toàn cầu”.
Thanh Tùng (theo Ziff Davids)