Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc lắp đặt thang, khoan lỗ giữ thang và móc dây bảo hiểm, để du khách đi qua trên bề mặt lớp nhũ tràn nhằm khai thác thử nghiệm tuyến du lịch hang Sơn Đoòng theo lộ trình mới, là tác động vào yếu tố gốc cấu thành di sản, mà chưa có ý kiến thống nhất của cơ quan có thẩm quyền và chưa được thông tin kịp thời, đầy đủ. Việc này đã tạo nên những ý kiến nhiều chiều.
Vì vậy, Bộ Văn hóa đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình rút kinh nghiệm đối với việc cho phép các hoạt động có tác động đến di sản cần tuân thủ các quy định hiện hành.
Bộ cũng nêu rõ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, khu vực bảo vệ I (vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích), phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.
Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II (vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I), đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong tháng 5, UBND tỉnh, Sở Du lịch Quảng Bình chấp thuận phương án lắp thang cho du khách vượt qua "Bức tường Việt Nam" trong hang Sơn Đoòng. Nhờ đó, thời gian thám hiểm hang sẽ được rút từ 5 ngày còn 3 ngày. Theo các chuyên gia hang động, điều này giúp các tác động của du khách đến hang Sơn Đoòng được giảm đáng kể.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nếu khai thác du lịch xuyên động bằng cách lắp thang, leo dây vượt qua “Bức tường Việt Nam”, thì khối thạch nhũ tại đây sẽ bị ảnh hưởng.
Hang Sơn Đoòng có chiều rộng 150 m, cao 200 m, dài gần 9 km được phát hiện vào năm 2009 là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam gần biên giới với Lào.
Đoàn Loan