Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc mời đại sứ Châu Âu đến thăm Trường Lũy nhằm quảng bá di sản lịch sử văn hóa này tới bạn bè quốc tế. Lãnh đạo tỉnh cũng vừa gửi hồ sơ khoa học đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị công nhận Trường Lũy là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, sau đó tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Trường Lũy là công trình kiến trúc lớn, đa dạng, trong đó nhiều đoạn bằng đá còn khá nguyên vẹn, được hình thành cách đây khoảng 400 năm, có chiều dài khoảng 130 km, từ huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định). Di sản này vừa được phát hiện và khai quật vào cuối năm ngoái.
![]() |
Các nhà khảo cổ trong và ngoài nước đang tiếp tục nghiên cứu, khai quật di tích Trường Lũy. Ảnh: Trí Tín |
Nhận định về di tích lịch sử văn hóa này, giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: “Công trình này được xem là dài nhất Đông Nam Á với sự đa dạng của cấu trúc và kỹ thuật xây dựng. Đây cũng là công trình đa chức năng mà mỗi thời điểm có chức năng riêng như quân sự, giao thương và giao thông. Đi liền với nó là một câu chuyện lịch sử hấp dẫn, tiềm năng to lớn để phát triển ngành du lịch Việt Nam”.
Trao đổi với VnExpress.net, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Quảng Ngãi cũng nhìn nhận, Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định là một công trình có giá trị văn hóa đặc biệt, là công sức của bao người dân lao động. Đây không phải chỉ là di sản của riêng Quảng Ngãi hay Bình Định mà phải được xem là di sản của quốc gia, của nhân loại.
Cuối tháng 1 vừa qua, CNN đã đăng tải bài viết giới thiệu, ca ngợi di sản Trường Lũy của Việt Nam. Phóng viên Adam Bray của hãng này nhìn nhận việc tìm thấy Trường Lũy là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất của Việt Nam trong một thế kỷ qua.
“Trường Lũy của Việt Nam dù không dài bằng Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc nhưng đây chắc chắn là một di tích lịch sử - văn hóa gây ấn tượng mạnh đối với thế giới”, Adam Bray viết.
Trí Tín