Theo tạp chí Tennis Head, tổng tiền thưởng các tay vợt nhận được năm 2024 chỉ chiếm chưa đầy 18% doanh số mà các giải đấu tạo ra. Con số này thấp hơn nhiều mức 50% mà các ngôi sao bóng rổ NBA nhận được. Các cầu thủ bóng chày (MLB) và bóng bầu dục chuyên nghiệp của Mỹ (NFL) cũng bỏ túi 47-48% doanh số của giải đấu.
Tennis Head không cung cấp doanh thu cụ thể của các giải ATP Tour năm 2024, nhưng theo báo cáo của chính ATP, tổ chức này đã kêu gọi được mức tài trợ tăng thêm 50% trong mùa giải 2024 và dự kiến con số là 89% vào 2026. ATP là tổ chức quản lý các tay vợt, đại diện cho quyền lợi và nghĩa vụ của họ. Tổ chức này đã ký hợp đồng với hàng chục thương hiệu lớn trong nhiều năm qua, bao gồm Lexus, Yokohama, Lacoste, Dunlop hay Infosys.
![Một góc sân trung tâm tại Australia Mở rộng - giải đấu tạo ra doanh thu lớn bậc nhất làng quần vợt. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2025/02/11/4S2QMPWFCPHZTOVWSEBMXWT2IE-173-5870-3553-1739251016.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8e6ReKCOJb3xy9RF6O7cfQ)
Một góc sân trung tâm tại Australia Mở rộng - giải đấu tạo ra doanh thu lớn bậc nhất làng quần vợt. Ảnh: Reuters
ATP năm ngoái công bố chiến lược OneVision nhằm tạo lực đẩy mới cho việc thương mại hóa quần vợt, tạo ra các danh mục tài trợ mới nhờ mở rộng một số giải đấu, như kéo dài sự kiện Masters 1000 từ 8 lên 12 ngày. Thu nhập của các tay vợt vì thế tăng lên, hướng đến nhóm tay vợt thứ hạng thấp thường bị loại sớm. Nhưng phần gia tăng này chưa tương xứng với quy mô các hợp đồng tài trợ mà ATP kiếm được.
Jannik Sinner, tay vợt thành công nhất năm ngoái với tám danh hiệu, bỏ túi 17 triệu USD tiền thưởng – mức cao bậc nhất trong nửa thập kỷ gần đây. Để kiếm được số tiền này, tay vợt Italy đã chơi gần 80 trận trong suốt 11 tháng. Để so sánh, tiền thưởng mà Sinner nhận về chỉ bằng một phần năm thu nhập của một ngôi sao đang chơi tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA.
Chênh lệch thu nhập của quần vợt với các môn thể thao lớn khác là lý do Novak Djokovic tạo nên Hiệp hội Tay vợt chuyên nghiệp (PTPA) vào 2016 để đòi hỏi thêm quyền lợi. Djokovic nhiều lần chỉ trích ATP về cách phân chia tiền thưởng, cũng như sắp xếp lịch thi đấu dày đặc. Theo huyền thoại Serbia, hệ thống trả thưởng của ATP đã lỗi thời, không đền bù công bằng cho người chơi. "Nó không thể hiện người chơi là trung tâm của môn thể thao này", anh nói trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Serbia năm 2022.
Theo Tennis Head, trong khi các vận động viên NBA, NFL và MLB nhận được phần lớn doanh thu từ các giải đấu của họ, thì các tay vợt tennis chỉ kiếm được một phần nhỏ của miếng bánh, dù họ cũng chịu trách nhiệm tạo ra sức hấp dẫn cho môn thể thao này.
Cơ chế trả thưởng của ATP hiện tại có thể tạo ra một làn sóng dịch chuyển ở nhóm các tay vợt hàng đầu, khi họ sẵn sàng bỏ qua một số sự kiện ATP Tour để tham dự các giải đấu biểu diễn như Six Kings Slam cuối năm ngoái. Số tiền mà Sinner kiếm được từ chức vô địch giải đấu đặc biệt này bằng 1/3 tổng tiền thưởng cả mùa của anh trên ATP Tour. Những ngôi sao lừng lẫy như Rafael Nadal, Caros Alcaraz và Djokovic cũng không từ chối cơ hội bỏ túi hàng triệu USD chỉ sau vài ngày thi đấu tại Arab Saudi.
Tuần này, Djokovic vẫn tham dự giải ATP 500 Qatar Mở rộng dù vừa bình phục chấn thương. Một phần vì anh có ràng buộc hợp đồng triệu USD với thương hiệu Qatar Airways. Carlos Alcaraz và Sinner cũng dự kiến góp mặt trong năm đầu tiên Qatar Mở rộng được nâng hạng từ ATP 250 lên ATP 500 và có những mức tiền thưởng mới hấp dẫn.