Một ca phẫu thuật thẩm mỹ tại Trung Quốc. Ảnh: txinxishibao. |
Quan chức đến vì muốn trẻ ra, với các phẫu thuật như cắt túi mắt, căng da, cấy tóc... Khách hàng chính khách, chủ yếu là nam giới, lý giải động cơ chỉnh sửa là xây dựng hình ảnh tươi trẻ có lợi cho sự nghiệp chính trị của mình, để người dân có thiện cảm và gần gũi họ hơn. Mùa cao điểm phẫu thuật của quan chức là khoảng thời gian trước khi hội họp quốc hội, đặc biệt họ thường đi vào... ban đêm, do người quen giới thiệu. Nhiều quan chức sử dụng tên giả khi đi làm thẩm mỹ. Tuy nhiên, khi bác sĩ yêu cầu phải chụp ảnh trước khi làm thẩm mỹ để tránh khiếu kiện về sau, thì yêu cầu bảo mật của quan chức còn nghiêm ngặt hơn của các ngôi sao điện ảnh!
Bác sĩ Trần không tiết lộ danh tánh khách hàng của ông, nhưng cho biết hết thảy đều là các vị lãnh đạo và phu nhân cấp thành phố hay bộ trưởng. Quan chức đầu tiên đến sửa sắc đẹp là vào năm 1998. Bác sĩ Trần cho rằng quan chức cũng là người, họ có quyền được làm đẹp. Ông dự đoán trong 3-5 năm tới sẽ có ngày càng nhiều quan chức đi thẩm mỹ viện.
Thế nhưng nhiều người Trung Quốc không nghĩ như bác sĩ Trần. Sau khi tin trên loan ra, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã phản hồi rằng nếu một ông quan biết đặt lợi ích của dân lên hàng đầu thì dù cho ông ta có đen và xấu như Bao Công, người dân vẫn thích. Ngược lại, một ông quan tham chỉ biết lo cho mình thì ông ta có đẹp đến mấy cũng chẳng ai ưa.
Nhưng điều họ quan tâm nhất vẫn là tiền phẫu thuật của quan chức từ đâu ra. Thứ đến, họ sửa sắc đẹp cho ai xem, có thật sự là để... gần dân như họ nói không? Hay họ được đi làm đẹp không mất tiền, mà vợ con còn được "ăn theo", nên đua nhau đi giải phẫu thẩm mỹ cho trẻ trung, để cấp trên nhìn thấy còn trẻ còn được việc mà cân nhắc vào chức to hơn?
Mặt khác, phí giải phẫu thẩm mỹ khá cao: cắt túi mắt 4.000-5.000 NDT (1 NDT = 2.000 VND), căng da từ 20.000-50.000 NDT nên có khả năng trở thành công cụ hối lộ đứng sau tiền và tình, ngoài ra còn làm giảm lòng tin về độ chân thành của các công bộc.
Một cư dân mạng kể: trong một cuộc họp ở một địa phương nọ, vị thủ trưởng đơn vị đến dự họp và phát hiện nhiều vị quan chức bạc trắng cả đầu chỉ sau mấy đêm không gặp. Bộ tóc đen trước đó đều biến thành muối tiêu hay tóc bạc phơ. Ông tìm hiểu mới biết do trước đó có tin một vị lãnh đạo bị ung thư vì nhuộm tóc nên các ông quan bèn chấp nhận trả lại cho bộ tóc của họ màu sắc vốn có.
Thật ra việc quan chức đi giải phẫu thẩm mỹ không phải là chuyện lạ ở các nước. Đề cập việc này, các báo Trung Quốc đều dẫn trường hợp Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun từng đi cắt hai mí, căng da, Tổng thống Mỹ George Bush đi xóa vết đốm, Thủ tướng Anh Tony Blair đi nhuộm tóc năm 2001 khi ra ứng cử… Điều khác biệt mà cư dân mạng chỉ ra như một cách bêu riếu là quan chức Trung Quốc đi giải phẫu thẩm mỹ một cách lén lút, trong khi quan chức phương Tây quang minh chính đại đi phẫu thuật bằng tiền túi của mình.
Các cư dân mạng còn đập tan kiểu ngụy biện “gần dân” của quan chức thời nay bằng cách kể lại chuyện nguyên thủ tướng Chu Ân Lai đi thăm một địa phương vừa bị động đất. Ông được mời nước đúng lúc một cơn gió thổi qua, chén nước đóng một lớp bụi trên mặt, nhưng thủ tướng vẫn vui vẻ uống cạn, người dân chứng kiến đều rất cảm động. Hay như Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào mỗi khi đi thăm các địa phương đều cùng dân chúng gói bánh jiaozi (một dạng bánh giống sủi cảo của miền bắc Trung Quốc), rất quan tâm đến đời sống dân chúng, nhắc nhở địa phương phải chuẩn bị chăn mền cho người dân vào mùa đông.
(Tuổi Trẻ/Dongfangribao, Yangchengwanbao, Beifangwang)