Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị nhân sự, ông Vinh cho rằng, công tác quản trị nguồn nhân lực luôn là xương sống của bất kỳ doanh nghiệp nào. Trong giai đoạn nguồn nhân lực phát triển theo dòng chảy công nghệ số, mở màn kỷ nguyên công nghiệp 4.0, công tác quản trị nguồn nhân sự càng đóng vai trò quan trọng và cần tập trung vào "giá trị gia tăng" - thuật ngữ dùng để chỉ giá trị tăng thêm được tạo ra ở mỗi giai đoạn nhất định của quá trình sản xuất thông qua hình ảnh của doanh nghiệp.
Giá trị gia tăng trong quản lý nguồn nhân sự giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả nhằm tối đa hóa cơ hội và lợi ích. Cơ hội và lợi ích của công ty đều nằm ở chỗ đạt được các mục tiêu về khách hàng.
Theo ông Vinh, điều này khiến các nhà quản lý, chuyên gia nhân sự phải tự đặt mình ở vị trí bên ngoài hay nói cách khác là họ phải bắt đầu từ nhu cầu của khách hàng, từ việc hiểu làm thế nào để đạt được các mục đích mà tổ chức đặt ra và nhu cầu của nhà đầu tư đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Những nhu cầu đó xác định cách thức tổ chức nguồn nhân lực cũng như quyết định việc lựa chọn nhân sự để đồng hành, phát triển và giữ chân nhân viên nhằm mang lại lại "giá trị gia tăng" tối đa cho doanh nghiệp.
"Tất cả doanh nghiệp Việt đều nhận thấy cần phải tối ưu hóa nguồn nhân sự để hoạt động hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh cao hiện nay nhưng họ chưa quan tâm đúng mức đến mảng đào tạo và phát triển nhân sự, đặc biệt là nhân sự nguồn", ông Vinh nói.
Nhân sự chủ yếu được tuyển dụng và đào tạo theo nhu cầu thức thời, trong khi đội ngũ nhân viên là tài sản có giá trị cần được đầu tư dài hạn, giúp nâng tầm công ty trên thị trường. Việc phát hiện và đào tạo nguồn nhân sự cần trở thành một trong các mối quan tâm hàng đầu và thường trực của các giám đốc điều hành.
Bên cạnh đó, các chính sách tuyển dụng và đào tạo nhân sự tại nhiều công ty trong nước cũng chưa thực sự tốt. Nguyên nhân thường do đặc trưng ngành nghề và cấu trúc tổ chức của các công ty này không cho phép họ phát triển nhân sự một cách hiệu quả (chỉ sử dụng quy trình có sẵn, thói quen kiểm soát nhân viên gắt gao theo từng cấp bậc, cơ chế phân bổ ngân sách cố định). Bởi vậy, công ty có thể gia tăng giá trị tài chính, máy móc, thiết bị, nhưng lại vô tình hạn chế sự phát triển trình độ của cá nhân và cơ hội để họ thể hiện kỹ năng của mình.
Trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài tập trung vào năng lực nhân sự, đặc biệt là "năng lực của các chuyên gia nhân sự" bởi họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của đơn bị.
"Một chuyên gia nhân sự xuất sắc là người có khả năng định vị một doanh nghiệp đề giành chiến thắng trong thị trường nhân tài cạnh tranh khốc liệt. Họ cần chủ động xây dựng các mối quan hệ, hiểu biết hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa và quản lý những căng thẳng vốn có…", ông Vinh nói.
Những vấn đề này sẽ được trao đổi trong hội thảo "8 đột phá Nhân sự để kinh doanh thành công" do VHRS tổ chức tại Hà Nội vào ngày 17/4 tới. Khách mời của chương trình là Giáo sư Dave Ulrich, Chuyên gia Quản trị Nhân sự hàng đầu thế giới, nhà tư vấn cho hơn 50% các công ty thuộc danh sách Fortune 200.
VHRS đang cung cấp dịch vụ giải pháp chuyên nghiệp về phát triển nguồn nhân lực bao gồm ba lĩnh vực chính là tư vấn, tuyển dụng và đào tạo theo chuẩn quốc tế với đội ngũ chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước. Ngoài ra, đội ngũ chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp sẽ tư vấn và đưa ra giải pháp thiết kế và tổ chức khóa học hiệu quả phù hợp với định hướng phát triển của tổ chức và doanh nghiệp.
Huệ Chi