Mùa này, những người dân ở thị trấn Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam) đang bước vào nghề ướp trà sen. Mỗi sớm mai, trong hiệu trà Trưởng An có hàng nghìn bông sen chớm nở được thu hoạch về. Người làm nghề xúm vào khéo léo bóc tách những cánh sen bách diệp, chỉ lấy hạt gạo trắng li ti để làm loại trà sen quý hiếm.
Trà ướp hương sen được lưu truyền nhiều đời trong gia đình cụ Trưởng An, một gia đình tiểu thương có thú thưởng thức trà thanh tao. Theo lời con trai cụ, nhà thơ Nguyễn An Ninh, thời xưa làm trà này vô cùng cầu kỳ. Chiều chiều, cụ Trưởng An chèo thuyền thúng ra hồ chọn những bông sen sắp nở bỏ vào một nhúm trà, để ủ hương qua đêm, sáng hôm sau mới hái về dùng. Cụ còn kỳ công hứng lấy những giọt sương đêm đọng trên lá sen đun nước pha trà.
Để có trà uống quanh năm, cụ còn lấy gạo sen ướp cùng với loại trà Thái Nguyên hoặc trà shan tuyết hảo hạng. Ngày đó phải cần từ 3.000 đến 4.000 bông để ướp được một kg trà. Gia đình cụ ướp thủ công, sấy khô sao cho trà rút nước nhưng vẫn giữ lại hương để tạo ra loại trà sen cốt rất đậm hương.
Nhà thơ Nguyễn An Ninh kể, trong kháng chiến chống Mỹ, ông và các anh em nhập ngũ chiến đấu. Để phụ giúp con cháu, dù đã ở tuổi 71, cụ Trưởng An mở một quán nước bên quốc lộ. Ngày đó, quán bằng vách tre, lợp rạ, chỉ đủ bày hai bộ bàn ghế. Đây là quán nước đầu tiên ở khu này, các đoàn dân công, khách qua lại ga Đồng Văn đều chọn đây làm điểm dừng chân.
Trong chiến tranh phá hoại, tách trà sen miễn phí và tiếng vỗ trống hát chèo của cụ là nguồn động viên rất lớn với những đoàn dân công. Cốt cách của cụ Trưởng An dần lan xa qua lời người xuôi ngược.
"Một buổi sáng năm 1981 có một chiếc xe hơi từ Nam Định dừng uống nước. Lúc dọn hàng, cha tôi thấy một chiếc cặp da nặng trịch, cụ đem vào nhà cất cẩn thận. Cuối giờ chiều, một người tên Sáng xưng là Phó giám đốc Nhà máy Dệt Nam Định hớt hải hỏi về cái cặp. Ông Sáng biếu một xấp tiền nhưng cha không nhận", nhà thơ Nguyễn An Ninh chia sẻ.
Quán trà Trưởng An nức tiếng hơn khi một ngày tình cờ giúp đỡ một vị khách đặc biệt. Trưa hè năm 1982, một người đàn ông ngoài 50 tuổi, dáng cao gầy vận bộ quân phục bạc màu mệt mỏi bước vào quán. Sau khi uống nước, người khách lưỡng lự hỏi vay cụ Trưởng An mấy đồng để đi tiếp. Ông để lại danh thiếp, một mặt có chữ "Thợ Rèn - Báo Nhân Dân", mặt kia ghi: "Gửi anh Chu Văn. Giả hộ tôi 3 đồng do cụ giúp hộ lúc tôi đi qua hết tiền. Tào Mạt". Cầm tờ giấy cụ Trưởng chỉ biết Thợ Rèn là bút danh hay viết thơ châm biếm trên báo Nhân Dân. Còn cái tên Tào Mạt gợi nhớ đến một dũng tướng thời Đông Chu Liệt Quốc.
Từ đó, cứ vài tuần Tào Mạt và Chu Văn lại đạp xe qua thăm quán. Tào Mạt không am hiểu trà sen như Chu Văn nhưng lại rất thích đến đây bầu bạn với cụ Trưởng An. Tháng 10/1986, Tào Mạt tặng cụ bộ ba chèo Bài ca giữ nước. Lúc này, cụ ông râu tóc bạc phơ mới biết Tào Mạt - người đàn ông xuề xòa - là nghệ sĩ viết kịch nổi tiếng và Chu Văn là tác giả bộ tiểu thuyết Bão biển.
Video nghề ướp trà sen kỳ công ở quán Trưởng An
Qua bài thơ Nghe cha hát ca trù của Nguyễn An Ninh, người đọc có thể hình dung phần nào về tình bạn của cụ Trưởng An với Chu Văn, Tào Mạt:
Tuổi chín mươi cha hát ca trù
Bác Tào Mạt, bác Chu Văn ngồi bên gõ nhịp
Ấm trà sen đầu mùa thơm ngát
Hương đồng dâng ngào ngạt lời ca... (xem thêm)
Gần 10 năm bầu bạn, Tào Mạt tặng cụ Trưởng An rất nhiều sách vở, thơ ca. Tết nào Tào Mạt cũng đạp xe hơn 60 km tặng thơ xuân mừng thọ người bạn già. Năm 1993, Tào Mạt ốm nặng, cụ Trưởng lúc đó 94 tuổi nhất quyết bắt tàu ra Hà Nội thăm. Sau khi Tào Mạt mất, cụ thường ôm cuốn Bài ca giữ nước thâm trầm. Năm 2001, cụ Trưởng An qua đời ở tuổi 102.
PGS Hoàng Năng Trọng, Phó giám đốc ĐH Y Thái Bình, cho biết những năm 1990 trên đường từ Hà Nội về Hà Nam, Thái Bình, ông hay dừng ở quán nhâm nhi một tách trà vài hào, đôi khi chỉ để được nghe cụ Trưởng An nổi hứng hát chèo, kể chuyện. Hầu hết người cùng thế hệ với ông Trọng đều là khách quen của quán.
"Có rất nhiều câu chuyện, nhiều kho tư liệu liên quan đến cụ Trưởng An. Năm 2001, nghe tin cụ mất, tôi bâng khuâng nhớ về một con người đã dành cả đời để làm nên một thương hiệu trà sen, một bậc tiền bối có phẩm hạnh cao đẹp. Trên đường về, tôi viết bài thơ Cảm nhớ cụ Trưởng, gửi đăng tạp chí Sông Châu", PGS Hoàng Năng Trọng chia sẻ.
Ngày nay, con cháu cụ Trưởng vẫn lưu giữ nhiều bút tích các văn nghệ sĩ tặng cụ Trưởng An. Trong đó nhiều nhất là sách vở, bài thơ mà NSND Tào Mạt tặng riêng người bạn già. Túp lều tranh khi xưa nay cũng được thay bằng một quán mới khang trang theo hướng giả cổ, không lúc nào ngơi khách...
Cụ Trưởng An tên thật là Nguyễn Văn Lãnh. Cụ có 3 người con trai là Nguyễn An Hòa, nhà thơ, nhà giáo Nguyễn An Ninh và con út là nhà báo Nguyễn An Định. |
Phan Dương