- Chủ tọa có thể nói rõ hơn vì sao phải xử kín vụ án Sầm Đức Xương ngày 10/3 vừa qua?
- Việc này đã có rất nhiều báo đưa nhưng không có báo nào đưa ra chính xác tòa xử kín như vậy có đúng pháp luật hay không. Theo tôi, về mặt thực tế, có thể nói bất cứ người nào chẳng may có con em mình chưa đủ tuổi thành niên đi bán dâm mà bị phát hiện, họ sẽ không muốn xử công khai. Nếu công khai cho nhiều người xem, sau này tương lai con em họ có thể bị ảnh hưởng.
Còn với tòa, phải xử làm sao để vừa trừng trị nhưng cũng phải giáo dục giúp đỡ để người ta phát triển.
Về mặt pháp luật, ở Bộ luật tố tụng hình sự điều 18 và 307 có ghi trong trường hợp cần thiết tòa án có thể xử kín. Tòa không làm sai luật.
Ông Hùng trong phiên tòa vụ Sầm Đức Xương. Ảnh: Tuấn Anh. |
- Phiên tòa sơ thẩm lần 2, mẹ bị cáo Thúy và Hằng khá bức xúc khi không được vào dự. Họ đã liên hệ với cán bộ tòa nhưng bị từ chối không cho vào, ông có thể giải thích lý do?
- Trong Bộ luật hình sự có chương quy định với người chưa thành niên phạm tội. Còn tố tụng hình sự có chương thủ tục tố tụng với người chưa thành niên.
Với 2 bị cáo Hằng và Thúy là trường hợp phạm tội khi chưa thành niên, nhưng đã thành niên trong quá trình tố tụng. Khi xử kín, chỉ có những người có giấy triệu tập của tòa án mới được có mặt trong phiên xét xử như bị cáo, nhân chứng, luật sư, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan… Mẹ của 2 bị cáo không được tòa triệu tập nên không thể vào.
- Việc phong tỏa các ngả đường trong quá trình xét xử khiến người dân đi lại gặp nhiều khó khăn, vì sao phải làm như vậy thưa ông ?
- Công việc chính của tôi là xét xử vụ án và điều khiển phiên tòa bên trong nên phía ngoài tôi không có trách nhiệm. Tuy nhiên, có một quy định của pháp luật là khi xử kín thì mọi người không có giấy triệu tập của tòa án sẽ không được vào phòng xử. Khái niệm "phòng" trong quy định này không thể hiểu một cách bó buộc được. "Phòng" có thể là một khoảng sân, một khu vực diễn ra hoạt động xử án. Những người không có trách nhiệm thì không được tiếp cận những thông tin trong phòng xử, nên nhiều khi phải mở rộng phạm vi cách li bảo vệ để đảm bảo giữ kín thông tin của phiên tòa.
- Gia đình bị cáo Hằng và Thúy ở ngoài phiên tòa nói rằng sức khỏe các con họ không được tốt. Thêm vào đó bị cáo không có luật sư và người thân bên cạnh, liệu việc này có ảnh hưởng đến kết quả phiên tòa ?
- Thực tế, tôi thấy các bị cáo không hề bối rối. Pháp luật có quy định, khi giải quyết công việc điều tra, truy tố xét xử người chưa thành niên cần phải có những người hiểu biết về họ. Khi xét xử bị cáo là người chưa thành niên, Hội đồng xét xử buộc phải có giáo viên và cán bộ Đoàn thành niên. Hôm qua là một ví dụ. Một số người chưa thành niên, tòa đã chủ động mời một cán bộ Đoàn tham dự.
- Trong phần kết luận của Hội đồng xét xử, ông có nhắc đến một vật chứng đã được chuyển cho cơ quan công an tiếp tục điều tra về hành vi mua bán dâm người vị thành niên. Việc này cụ thể như thế nào?
- Vật chứng này liên quan đến vụ mua bán dâm khác chứ không lien quan đến 3 bị cáo Thúy, Hằng và Xương. Người tố cáo đến cơ quan điều tra là cháu K (đề nghị giấu tên). Vật chứng là 2 viên thuốc tránh thai mà kẻ môi giới đã mua cho cháu.
Xét thấy vụ việc này không liên quan đến Sầm Đức Xương và người mua dâm tên vẫn chưa xác định được nên HĐXX quyết định tách riêng để cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ. Tên của người môi giới vẫn chưa thể tiết lộ để đảm bảo bí mật.
- Ở phiên xử phúc thẩm một năm trước đó, hai bị cáo Thúy và Hằng có tố ra một loạt “danh sách đen” khiến phiên tòa phải hoãn lại để điều tra từ đầu. Song, những nhân vật này không được nhắc đến trong kết luận của tòa?
- Trong quá trình xét xử phúc thẩm lần trước, 2 bị cáo có tố cáo bán dâm cho một số người khác khiến phiên tòa phúc thẩm phải hủy án để điều tra lại từ đầu. Quá trình điều tra thấy chưa đủ căn cứ nên không khởi tố và đưa ra xét xử.
- Vì sao bị cáo Sầm Đức Xương được giảm 10 năm 6 tháng tù xuống 9 năm so với bản sơ thẩm của huyện Vị Xuyên?
- Giới hạn xét xử ở phiên hôm qua, VKSND truy tố các hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo Sầm Đức Xương mua dâm ít hơn so với mức sơ thẩm cấp huyện. Một số lần mua dâm của Xương chưa đủ căn cứ và có thể liên quan đến một số người khác nên cần điều tra them để làm rõ. Với bị cáo Hằng và Thúy cũng thế, số lần môi giới mại dâm bị truy tố cũng ít hơn nên được giảm án.
Hơn nữa, góc độ phiên xử sơ thẩm lần trước, việc đánh giá, nghiên cứu, xử lý người chưa thành niên phạm tội chưa chuẩn xác. Nguyên tắc điều 69 Bộ luật hình sự, với tội phạm này thì mặt trừng trị nên giảm hơn, thay vào đó là mặt giáo dục để giúp đỡ.
- Vụ án Sầm Đức Xương mua dâm học trò được nhiều người quan tâm và có những dư luận trái chiều. Là chủ tọa thứ 3 xét xử vụ án, ông có bị chịu sức ép nào?
- Báo chí và dư luận đã lên tiếng về vụ việc khá nhiều. Tuy nhiên, tôi không chịu bất cứ sức ép nào. Có chăng sức ép duy nhất của tôi là xử sao cho đúng người đúng tội. Người có tội phải chịu trách nhiệm, còn người vô tội phải được tuyên không có tội. Nghề này cũng như các nghề khác đều có sức ép riêng.
Hoàng Anh