Tuy nhiên, hôm 13/7, ba ngày đầu trong đợt nắng nóng đỉnh điểm ở Hàn Quốc, chợ thịt chó Moran vắng lặng, thưa thớt khách qua. Con hẻm trong khu chợ từng có 50 hàng thịt chó giờ còn khoảng 20 quán.
Chợ Moran từng là một trong ba chợ thịt chó lớn nhất Hàn Quốc, ra đời từ những năm 1960. Thông thường, vào thời điểm nóng nhất của mùa hè (mùa Boknal) người dân nước này sẽ ăn những món ngon, trong đó có thịt chó để "vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết".
Sự suy giảm của ngành kinh doanh thịt chó phần lớn là do lệnh cấm mới có hiệu lực từ tháng 2. Trước đó một tháng, Quốc hội nước này thông qua một dự luật đặc biệt cấm giết mổ, phân phối và bán chó để lấy thịt, nhằm nâng cao và đáp ứng nhận thức về quyền động vật ngày càng tăng.
"Ba ngày nóng nhất mùa hè này là lần cuối tôi bán thịt chó hầm. Mùa Boknal từng bận rộn nhất trong năm nhưng giờ không được vậy nữa", một người kinh doanh nhà hàng ở chợ hơn 30 năm cho biết. Theo bà, doanh số năm nay giảm 80% so với năm ngoái.
"Chúng tôi vẫn có khách quen thi thoảng đến ăn bosintang, nhưng khi chính phủ cấm kinh doanh thì khách ít hơn. Chẳng còn cách nào, đành ngừng bán", bà nói.
Để khắc phục tình trạng trên, một số chủ nhà hàng chuyển sang bán thịt dê đen và thịt vịt.
Theo khảo sát của chính phủ năm 2022, có hơn 1.150 trang trại nuôi chó ở Hàn Quốc, với hơn 520.000 con chó lấy thịt và hơn 1.600 nhà hàng bán gần 390.000 con chó làm thực phẩm mỗi năm.
Luật mới ban hành yêu cầu người nuôi chó lấy thịt phải bán số lượng còn lại hoặc tìm cho chúng một nơi nuôi dưỡng mới, trong thời hạn ba năm (đến tháng 2/2027). Chính phủ đang xem xét kế hoạch bồi thường cho những người nuôi chó lấy thịt và chủ nhà hàng, dự kiến công bố vào tháng 9. Để đủ điều kiện bồi thường, chủ doanh nghiệp phải nộp kế hoạch đóng cửa hoặc chuyển đổi trước 5/8.
Bất chấp kế hoạch bồi thường của chính phủ, các bên liên quan trong ngành vẫn tiếp tục phản đối.
Hiệp hội thịt chó Hàn Quốc, một tổ chức toàn quốc với gần 1.000 thành viên, đệ đơn lên tòa án Hiến pháp vào tháng 3 để yêu cầu hủy bỏ lệnh cấm thịt chó, với lý do lệnh này xâm phạm quyền lựa chọn chế độ ăn uống của người dân và quyền tự do nghề nghiệp của các thành viên.
Nhật Minh (Theo Korea Times)