Chủ nhật, 17/11/2024
Thứ tư, 6/4/2022, 00:00 (GMT+7)

Quần thể chè Shan tuyết được công nhận di sản

Điện Biên100 cây chè Shan tuyết tại xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, vừa được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Hôm 25/3, Hội đồng xét duyệt đã họp xét hồ sơ và kết luận quần thể 100 cây chè Shan tuyết tại hai thôn Sín Chải, Hấu Chua, xã Sín Chải, đạt đầy đủ tiêu chí là cây di sản Việt Nam. Hầu hết cây chè mọc trên núi cao.

Để được công nhận là cây di sản Việt Nam, huyện Tủa Chùa khảo sát, lựa chọn 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ để đo chiều cao, đường kính tán lá, chu vi gốc, lập hồ sơ đề nghị công nhận.

Huyện Tủa Chùa có gần 600 ha chè, nằm ở độ cao khoảng 1.400 m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ. Nơi đây có hơn 4.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ, nhiều cây vài trăm tuổi, mọc tự nhiên tại các xã Tả Phìn, Sính Phình, Tả Sìn Thàng và Sín Chải.

Gia đình ông Hạng A Chư, ở thôn Hấu Chua, có hàng chục cây chè cổ thụ được công nhận cây di sản, mỗi năm thu hoạch khoảng 20 kg khô. Để thu hái, ông phải leo lên cây cao 4-10 m, hái búp non từ 6h đến 11h.

Những cây chè di sản của các hộ gia đình người dân tộc Mông, bởi vậy người dân vẫn được phép thu hoạch, song phải gắn với công tác bảo tồn.

Tháng 3 đến hết tháng 10 âm lịch, những búp chè được hứng mưa xuân, đâm chồi nảy lộc, người dân chọn lúc này để thu hoạch.

Giá mỗi kg chè cổ thụ nếu được chế biến từ nhà dân gần một triệu đồng, trong khi một công ty thu mua và chế biến giá có thể lên 10 triệu đồng.

Giống chè cổ thụ ở Tủa Chùa chủ yếu mọc tự nhiên, được chăm sóc hoàn toàn hữu cơ. Trước kia, người dân bản địa thu hái để sử dụng trong gia đình. Hiện chè trở thành đặc sản, mang lại nguồn thu ổn định cho bà con.

Hoa của chè Shan tuyết có 5 cánh, nhụy dài và đài to hơn chè bình thường. Không phải chăm sóc, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chè Shan tuyết sạch, nước vàng óng, vị ngọt đắng.

Những cây chè được công nhận cây di sản đều có đường kính gốc lớn hơn 75 cm, hàng trăm tuổi.

Một góc cây chè có tán rộng nhất, với hàng trăm cành lớn nhỏ, thân cây mọc nhiều hoa phong lan và rêu mốc.

Người địa phương gọi loại cây đặc biệt này là chè tuyết bởi khí hậu khắc nghiệt của mùa đông miền sơn cước khiến cả cây bị tuyết trắng bao phủ. Những búp chè sau khi chế biến được phủ một lớp phấn trắng mỏng, lấm tấm như tuyết.

Ngọc Thành - Phạm Chiểu - Thiện Nguyễn