Bàng Gia Ngọc, sinh năm 1944, ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông, tốt nghiệp Học viện Công nghệ Đông Bắc. Tháng 10/1979, ông trở thành phó giám đốc nhà máy bóng bán dẫn ở thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây. Tuy thuộc ban lãnh đạo, chức vị của ông Ngọc không có quyền lực, người thực sự có tiếng nói là giám đốc nhà máy Lý Tư Dân.
Từ khi ông Ngọc được đề bạt, ông Dân dẫn dắt mọi người chèn ép, soi mói khuyết điểm khiến phó giám đốc mất mặt trước tập thể. Hai người luôn đối đầu khi nhà máy có việc cần ban lãnh đạo biểu quyết. Sau nhiều tranh chấp, ông Ngọc ôm hận trong lòng, cộng thêm việc đối phương trẻ tuổi hơn khiến ông thấy không phục, thề sau này có cơ hội sẽ cho ông Dân một bài học.
Năm 1988, được bổ nhiệm làm thư ký lãnh đạo thành phố Bảo Kê do có thành tích xuất sắc, sau đó được thăng chức thị trưởng vào năm 1992. Lúc này, ông Dân chỉ là phó cục trưởng ở Bảo Kê, ông Ngọc mừng thầm vì cuối cùng cũng có cơ hội trả hận xưa.
Trong một bữa tiệc liên hoan dành cho các cán bộ và người thân, ông Ngọc tình cờ thấy ông Dân đi cùng vợ tên Tăng Thanh. Thanh là giáo viên tiếng Anh tại trường cấp hai ở địa phương, có ngoại hình trẻ đẹp và khí chất tao nhã. Ông Ngọc lập tức bị thu hút, nghĩ phải chiếm được Thanh để vừa có thể hạ nhục đối thủ, vừa được thỏa mãn dục vọng.
Đầu 1995, ông Ngọc yêu cầu các cấp dưới đưa người nhà cùng đi dự cuộc họp tổng kết thường niên ở thành phố Tây An. Họp xong, tất cả ăn tối tại khách sạn. Ông Ngọc sắp xếp cho vợ chồng ông Dân ngồi cạnh mình với lý do "ôn lại mối quan hệ đồng nghiệp trước đây".
Giữa chừng, ông Dân đột nhiên nhận được thông báo khẩn từ văn phòng thành phố, yêu cầu quay lại Bảo Kê để giải quyết một số việc. Ông Dân vốn không muốn rời đi vì biết rõ Ngọc thèm muốn vợ mình từ lâu, nhưng bị đe dọa phải gánh chịu mọi hậu quả nên đành tự lái xe về Bảo Kê. Thực tế, ông Ngọc chỉ tìm cớ đuổi đối phương đi để có thời gian riêng tư với Thanh.
Buổi tối, ông Ngọc lấy danh nghĩa công việc đến phòng Thanh, cho cô xem ảnh chụp chồng ôm ấp tình tứ với một phụ nữ trẻ đẹp. Nhân lúc Thanh khóc lóc buồn bã, ông ta lừa cô uống trà pha thuốc ngủ rồi cưỡng đoạt. Sau đó, Thanh chấp nhận làm người tình bí mật của ông Ngọc vì giận dữ chồng phản bội và sợ hãi trước quyền thế thị trưởng. Đáp lại, ông Ngọc sắp xếp cho Thanh làm tổng giám đốc một công ty du lịch. Không lâu sau, ông Dân phát hiện hai người lén hẹn hò, nhưng phải cắn răng nhẫn nhịn.
Năm 1997, khi các quan chức ở Bảo Kê tiến hành luân chuyển công việc, những người muốn được thăng chức hoặc giữ chức vụ lũ lượt mang quà đến nhà ông Ngọc. Vốn tính háo sắc, ông Ngọc sai người lén thả tin tức rằng thị trưởng ghét nhận quà, đời sống hôn nhân gần đây không hài hòa, muốn tìm "hồng nhan tri kỷ". Đồng thời, ông Ngọc thường xuyên lấy cớ điều tra cán bộ để trò chuyện riêng tư với vợ của một số quan chức.
Một số người lo lắng cho chức vụ của mình hay muốn được thăng chức đã chủ động đưa vợ đến gặp ông Ngọc. Trong thời gian ngắn, số phụ nữ có quan hệ với ông ta lên tới 11 người.
Ngoài đời tư thác loạn, Bàng Gia Ngọc còn lợi dụng chức vụ để vơ vét tiền bạc.
Năm 1996, với tư cách thị trưởng thành phố Bảo Kê, ông Ngọc chỉ đạo xây dựng hồ chứa nước Phùng Gia Sơn. Ngân sách dự toán ban đầu là 190 triệu nhân dân tệ, dự kiến hoàn thành trong hai năm. Tuy nhiên, dưới tay ông Ngọc, dự án này kéo dài hơn ba năm, ngân sách tăng lên 310 triệu nhân dân tệ. Sau khi hoàn thành dự án, từ năm 1999 đến 2002, đường ống chính của hồ chứa bị vỡ ba lần, gây thiệt hại kinh tế hơn 10 triệu nhân dân tệ.
Đứng sau chuyện này là ông Ngọc và những người tình. Sau khi nhậm chức bí thư thành ủy Bảo Kê vào tháng 3/1998, ông ta hỗ trợ Lý Tư Dân thành lập công ty đầu tư tài chính và giữ chức tổng giám đốc. Chồng của hai tình nhân khác là Lương Mai và Trịnh Khiết lần lượt giữ chức phó tổng giám đốc. Công ty này hoạt động trong thời gian dài mà không có giấy phép kinh doanh. Chỉ trong một năm, công ty thu về 120 triệu nhân dân tệ. Sau khi kiếm được tiền, các nhân tình coi ông Ngọc như "thần tài", càng thêm phục tùng.
Để họ khỏi ghen tỵ lẫn nhau, ông Ngọc phải giao tất cả dự án lớn nhỏ ở Bảo Kê cho họ. Dự án hồ chứa nước Phùng Gia Sơn bị ông ta giao cho một "công ty ma" do các người tình thành lập, rồi lại giao việc lắp đặt đường ống cho vợ.
"Công ty ma" sử dụng nguyên vật liệu kém chất lượng để tiết kiệm chi phí, rút ruột công trình bỏ túi riêng. Vì vậy sau khi hoàn thành, dự án liên tục bị vỡ đường ống và xuất hiện lỗ thủng lớn gây nạn lụt nghiêm trọng ở khu vực hồ chứa, đồng thời khiến nhiều người dân không có nước dùng.
Mùa đông năm 2002, khi ông Ngọc đi công tác ở Nam Phi cùng sáu nhân tình, vụ vỡ đường ống lần thứ ba thu hút sự quan tâm của các bộ phận liên quan. Biết tin, ông ta bỏ lại nhân tình, lập tức chạy về Bảo Kê đưa vợ con sang Canada lánh nạn. Ngay sau đó, ông ta sử dụng quyền lực cùng nhiều mối quan hệ và thủ đoạn khác nhau để dìm sự việc xuống.
Tưởng đã giải quyết xong xuôi, ông Ngọc tiếp tục tận hưởng cuộc sống bên các nhân tình. Nhưng ông ta không ngờ tới Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã bắt đầu chú ý đến mình.
Tháng 3/2003, Bàng Gia Ngọc đảm nhận chức vụ phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân tỉnh Thiểm Tây.
Nhưng chưa kịp ngồi nóng chỗ, ông Ngọc nhận được tin công ty mình từng phê duyệt phát hành bừa bãi hơn 300 triệu trái phiếu, dẫn đến không thể thu hồi được khoản nợ công trị giá 90 triệu nhân dân tệ. Để lấy lại tiền, nhiều người dân đến Bắc Kinh tố cáo. Một tuần sau, công ty của vợ chồng ông Dân bị điều tra vì nghi ngờ lừa đảo, hoạt động phi pháp. Tổng giám đốc Lý Tư Dân cùng hai phó tổng giám đốc bị bắt.
Thanh cầu xin ông Ngọc nghĩ cách cứu chồng. Ông ta bảo Thanh chuyển lời cho chồng rằng "phải biết rõ cái gì nên nói và cái gì không nên nói thì mới giúp được". Tin tưởng ông Ngọc, Dân cùng hai cấp phó nhận hết trách nhiệm.
Tuy nhiên, Thanh không ngờ cuối cùng Dân bị kết án tử hình, chồng của Mai và Khiết cũng lần lượt bị kết án 16 năm và 10 năm tù. Cô chất vấn ông Ngọc: "Ông ngủ với tôi, còn muốn chồng tôi làm kẻ chết thay cho mình, đồ vô lương tâm!".
Nhận ra mặt thật của Bàng Gia Ngọc, Thanh liên lạc với các tình nhân khác của ông ta và thuyết phục họ cùng tố cáo. Khi đó, ông Ngọc đã không còn quyền lực như trước. Dưới sự xúi giục của Thanh, 11 nhân tình đến Bắc Kinh đệ đơn tố cáo với nhiều bằng chứng chứng minh ông Ngọc nhận hối lộ. Ông Ngọc nói bị gài bẫy và từ chối hợp tác với kiểm sát viên.
Tháng 5/2006, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra ông Ngọc vì nghi ngờ tham ô, nhận hối lộ. Nhiều cán bộ công khai tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của ông ta.
Năm 2007, Bàng Gia Ngọc bị khai trừ đảng và bị bãi nhiệm chức vụ. Ngày 28/6/2008, ông Ngọc bị kết án 12 năm tù vì tội tham ô và nhận hối lộ, tịch thu tài sản cá nhân trị giá 200.000 nhân dân tệ.
Tuệ Anh (Theo Sohu, Sina)