![]() | ||
"Chúng là những giọt mưa lớn nhất mà tôi từng thấy trong 30 năm bay trên bầu trời", giáo sư Peter Hobbs, đồng tác giả của báo cáo cho biết. Nhóm của ông đã ghi lại những hạt mưa có kích cỡ từ 8,8 mm đến 1 cm. Họ phỏng đoán một số hạt trong đó thậm chí đã rơi xuống tới mặt đất.
Trung bình, giọt nước mưa có đường kính từ 1 đến 2 mm. Những hạt lớn nhất được ghi nhận trước đây là ở Hawaii, với bề rộng 8 mm, do các nhà khoa học công bố năm 1986. Nước mưa rơi tự do thường được mô tả có hình dạng giọt lệ. Kỳ thực, những hạt nước có đường kính lớn hơn 2 mm thường dẹt đáy và dần dần chuyển sang hình cầu rồi hình sứa. Hobbs và cộng sự ở Đại học Washington, Mỹ, nhận định các đám cháy lớn bốc lên từ rừng Amazon ở Brazil dường như đã tham gia vào sự tạo thành những hạt nước khổng lồ này: hơi nước ngưng tụ liên tiếp trên trên những phân tử khói bụi lớn để tạo ra giọt nước vĩ đại. Tuy nhiên, lý do này không thể giải thích cho hiện tượng hạt mưa quá khổ trên quần đảo Marshall, nơi rừng không cháy. Theo các nhà nghiên cứu, các giọt nước ở đây to lên nhanh chóng là nhờ sự va chạm không ngừng giữa chúng với nhau trong một vùng mây hẹp, với hàm lượng hơi nước cao bất thường. Điều này trái với quan điểm trước đây, cho rằng các giọt nước sẽ vỡ tan trước khi đạt tới kích cỡ đồ sộ đó. "Điều đáng nói là trong hai môi trường hoàn toàn khác biệt, cùng ở vành đai nhiệt đới nhưng một đằng cực kỳ ô nhiễm, và đằng kia lại quá trong sạch, chúng tôi đã đo được những hạt nước mưa mà những vụ va chạm liên tiếp đã không làm chúng tan vỡ", Hobbs viết. B.H. (theo BBC)
|