Đã về Việt Nam hai ngày, song chị Võ Thị Kim Cương - chủ chuỗi cửa hàng Phở tại Nepal - cho biết vẫn chưa hết sợ vì cảnh tượng kinh hoàng trong trận động đất cuối tuần trước. “Lòng tôi lúc nào cũng thấp thỏm vì chồng con và nhiều người thân vẫn còn ở Kathmandu", chị nói.
Trước khi xảy ra động đất, chị đã có kế hoạch về nước để lấy một số đồ và chuẩn bị cho việc mở chi nhánh thứ 3 cho cửa hàng phở của gia đình tại Kathmandu. Vé máy bay đã đặt, chỉ một ngày trước khi về nước thì thảm họa xảy ra.
Khoảng 11h trưa 25/4, chị Cương đang họp với một số nhân viên thì nghe tiếng ầm ầm kéo theo rung lắc nhẹ. Ban đầu họ nghĩ là do xe tải chạy qua như thường ngày, nhưng không lâu sau thì mặt đất bắt đầu rung chuyển, đồ đạc trong nhà đổ xuống. Mọi người hoảng loạn, nháo nhào tìm cách chạy khỏi nhà, nhiều người bị thương máu chảy đầm đìa.
“Những người chạy xe máy trên đường lần lượt ngã nhào, hàng loạt cột điện đổ nghiêng ngả. Trời đất quay cuồng, nhiều người không đứng vững nằm rạp xuống đất nôn ói. Một tiếng sau đó khi tình hình tạm ổn, mọi người định quay vào nhà thì lại thêm một cơn dư chấn mạnh”, chị Cương nói và cho hay hàng chục dư chấn tiếp tục xảy ra, kéo dài đến hôm sau khiến không ai dám vào nhà. Họ chỉ kịp ôm chăn gối ra đường nằm nhưng không thể nào chợp mắt vì lo lắng.
Quán Saigon Phở của chị Cương ở trung tâm Lazimpat (Kathmandu) - nơi có nhiều nhà cao tầng - nên buộc phải đóng cửa. Gần hai chục nhân viên và gia đình chị di chuyển về quán phở 99 ở Jhamsikhel bị ảnh hưởng ít hơn.
Sau hơn 5 giờ bị cắt điện mất hết liên lạc, chị bắt đầu gọi cho người thân và bạn bè để hỏi thăm tình hình. Ngoài hơn 30 nhân viên làm việc cho gia đình, thông qua bạn bè và facebook chị kêu gọi những người Việt tại Nepal đến gia đình mình tá túc trong thời gian tìm cách rời khỏi đây.
Theo lịch trình trước đó, sáng 26/4 chị Cương bay về Việt Nam nhưng sân bay thông báo đóng cửa. Buổi trưa, chị đánh liều ra phi trường, tiếp tục chứng kiến cảnh hỗn loạn khi có hàng chục nghìn người đang tìm cách rời khỏi Nepal. Do có vé trước nên chị cũng được sắp xếp cho vào phòng chờ để ra máy bay. Đến chiều 27/4 chị về đến Việt Nam sau khi quá cảnh ở Bangkok.
Dù đã về nước lo công việc, nhưng cửa hàng Phở 99 của chị Cương vẫn mở cửa cho tất cả người Việt ở Nepal đến tá túc. Cho đến khi chị về, có khoảng gần 20 người Việt đã liên lạc với nhà hàng. Họ được gia đình chị lo ăn uống. Trong ngày 28/4 có khoảng 6 người đã lo được vé máy bay về Việt Nam.
Theo chị Cương, sau nỗ lực kết nối với người của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, trong chiều nay hai đoàn đi bằng đường hàng không và đường bộ sẽ đến nhà hàng Phở 99 để đón những người Việt còn kẹt tại đây.
"Có 9 bạn trẻ đang ở nhà tôi, trong đó có 3 người đã lo được vé. Số còn lại có thể xe buýt của Đại sứ quán sẽ đến đón. Hiện còn một số bạn ở các tỉnh khác cũng đang tìm cách về Kathmandu. Các bạn sẽ được thông báo tập trung tại nhà hàng để Đại sứ quán Việt Nam hỗ trợ đưa về nước", chị Cương cập nhật thông tin từ Nepal.
Trong thời gian hơn một tuần ở Việt Nam, chị Cương nói rằng sẽ tranh thủ kêu gọi bạn bè, người thân quyên góp. Sau đó gửi đến quỹ Hội chữ thập đỏ của Nepal hoặc Mỹ đang hoạt động tại đây để chia sẻ với các nạn nhân trong vụ động đất.
Liên Hợp Quốc ước tính 8 triệu người tại 39 huyện của Nepal, tương đương một phần tư dân số nước này, chịu ảnh hưởng của trận động đất 7,8 độ Richter. Số người được xác nhận thiệt mạng hiện đã vượt quá 5.000, trong đó có 18 nạn nhân của một trận tuyết lở trên núi Everest, và hơn 10.000 người bị thương. Nepal tuyên bố tổ chức quốc tang trong ba ngày để tưởng nhớ các nạn nhân.
Hải Duyên