Giữa không gian hẹp chừng 10 m2, tiếng đàn violin của “người nghệ sĩ bình dân” dìu dặt, da diết vang lên trong mùi thơm nồng của mắm, ốc luộc, nem chua rán... Dù mang tên Oanh ốc của nữ chủ quán nhưng thực khách đến đây chỉ nhớ người chồng là ông Sỹ với cách gọi quen thuộc "Sỹ khùng" bởi cái thú vui rất nghệ thuật là dùng đàn violin phục vụ cùng bát ốc.
Nghe đến đây, nhiều người thường cho rằng ốc và tiếng đàn là hai thứ chẳng hề liên quan đến nhau bởi loại âm nhạc sang trọng đầy nghệ thuật ấy khó có thể đi bên món quà vặt rất đời thường. Tuy nhiên, chính sự khác biệt đã mang khách đến và gắn bó với quán của ông bà. Người thì đến vì tò mò, nhưng cũng có khách lại tới vì nhớ tiếng đàn và không khí gần gũi của hàng ốc quen.
Nếu đến quán lần đầu, chắc hẳn bạn sẽ hơi mất công để tìm đường và cũng chẳng thể nào nghĩ ra ở cái ngõ nhỏ yên ắng, vắng bóng tiệm ăn ấy lại xuất hiện một quán ốc nằm khiêm tốn. Chỉ với mỗi tấm biển nhỏ treo trên cửa, nơi đây vẫn đông đúc khách ra vào.
Bạn cũng đừng giật mình bởi tiếng nói sang sảng của ông chủ kiêm trông xe và cả phục vụ với những lời nói gấp gáp như “nào để gọn xe vào cho người ta còn đi chứ”, “ăn gì gọi nhanh lên nào”, “ngồi ghế này cậu ơi”…
Ăn to nói lớn là vậy nhưng ông lại rất tếu táo, hay chọc cười khách khiến không khí quán lúc nào cũng vui vẻ. Lúc rảnh rang, ông lại mang “bảo bối” là cây đàn violin ra thể hiện những bản nhạc tiền chiến hay bài ca đi cùng năm tháng Hà Nội một thời để góp vui.
Trong khung cảnh lổn nhổn vỏ ốc, dậy mùi nước mắm, những ca khúc quen thuộc như Đất nước trọn niềm vui, Bức họa đồng quê, Nhớ mùa thu Hà Nội, Để gió cuốn đi, Hà Nội đêm trở gió, Hà Nội ơi… cất lên qua tiếng vĩ cầm dường như át đi tất cả.
Ngày còn trẻ, ông Sỹ được đi học nhạc, chơi violon và theo đoàn biểu diễn khắp nơi. Nhưng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, người đàn ông này phải bỏ nghề để đi bốc vác ở bến xe khách. Sau đó, ông bàn với vợ mở một quán ốc để mưu sinh.
Dù hoàn cảnh khó khăn, không vì thế mà ông vứt bỏ niềm đam mê của mình và luôn duy trì ngọn lửa nghệ sỹ chỉ chờ lúc bùng cháy trong lòng. Thế là vị chủ quán ốc mang đàn ra chơi cho khách nghe một cách tự nhiên, mộc mạc. Và dường như âm nhạc cũng là cách để ông níu chân, chiều chuộng các thượng đế của mình.
Nếu kể về chất lượng của món ăn, bạn cũng không phải lăn tăn bởi tất cả các món trong quán đều sạch sẽ, nước ốc ngon, đồ ăn đi kèm đa dạng. Không chỉ vậy, giá cả lại rất phải chăng, phù hợp cho cả sinh viên với 25.000 đồng một bát ốc.
Lê Thương