Giống như hầu hết các con phố "Hàng", chữ cái phía sau của tên phố đề cập đến mặt hàng được bày bán. Trước kia, phố Hàng Bài là nơi tập trung bán các cỗ bài lá như tổ tôm, tam cúc. Thời Pháp thuộc, phố này được gọi là đại lộ Đồng Khánh (tên một ông vua nhà Nguyễn). Nghề làm bài lá bị trục xuất khỏi phố, nhường chỗ cho các công sở và hãng buôn của thực dân, tư sản.
Ngay đầu phố là hãng buôn tạp hóa lớn nhất Hà Nội với tên gọi "Liên hợp thương mại Đông Dương", người dân quen gọi là hiệu Gô-đa, nay là Tràng Tiền Plaza. Khi đó, xung quanh hiệu Gô-đa là hàng loạt cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc, rạp chiếu bóng và nhiều dinh thự Pháp, không khí nhộn nhịp và sầm uất.
Trên phố, trường trung học duy nhất dành riêng cho nữ sinh người Việt ở Bắc Kỳ (giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) được thành lập. Trường mang tên Đồng Khánh, được đặt theo tên đường, nay là trường THCS Trưng Vương.
Sau năm 1945 đổi thành phố Triệu Quang Phục, giai đoạn 1949-1951 quay lại tên Đại lộ Đồng Khánh. Sau năm 1954, cái tên Hàng Bài được khôi phục. Hiện, phố Hàng Bài dài 616 m, nối phố Tràng Tiền với phố Hàm Long.

Tràng Tiền Plaza, trước kia là Liên hợp thương mại Đông Dương, nằm ở đầu phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Giang Huy
Thanh Hằng (Tổng hợp)