Từ khởi điểm là một website bán sách năm 2010, Tiki đã trở thành nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á với trên 50 triệu người dùng cùng hàng triệu sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty cũng phát triển rất nhiều các sản phẩm mới như TikiNgon, TikiDeli, Tiki360 và mới nhất là token Astra - ứng dụng công nghệ Blockchain vào chương trình điểm thưởng cho khách hàng.
"Để đạt được thành công này, chiến lược và vận hành marketing của Tiki góp phần đặc biệt quan trọng", anh nhấn mạnh.
Theo anh Lý Trung Hiếu, mọi hoạt động marketing tại Tiki đều dựa trên hai nền tảng tư duy chính. Thứ nhất là Performance tracking - mọi hoạt động trước khi triển khai đều phải có phương án đo lường hiệu quả. Ví dụ như việc treo poster quảng cáo tại một địa điểm, đội ngũ marketing phải nghĩ cách để xác định lợi ích từ hoạt động này.
"Nếu không nghĩ ra phương án để đo lường thì không nên làm. Người kinh doanh bỏ ra một đồng thì cần phải biết sẽ lấy lại được bao nhiêu", anh nhấn mạnh.
Thứ hai là data-driven, tức toàn bộ quyết định đưa ra cần dựa trên dữ liệu, con số cụ thể, thay vì cảm tính hay kinh nghiệm. Tư duy này rất quan trọng trong thời kỳ Internet và số hóa bùng nổ như hiện nay.
Với thế mạnh của một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam, Tiki có một lượng dữ liệu khổng lồ về sản phẩm, hành vi khách hàng... sinh ra mỗi ngày. Từ đây, đội ngũ nhân sự có cơ sở để đánh giá về xu hướng, hành vi và tối ưu hóa hoạt động.
Đại diện Tiki cho biết, hoạt động marketing dựa trên dữ liệu, liên tục được đo lường và tối ưu đã góp phần không nhỏ để đưa nền tảng này từ một website bán sách trở thành một trong những sàn thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á. Năm 2021, Tiki vừa gọi vốn thành công 258 triệu USD và đang đẩy nhanh kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại thị trường chứng khoán Mỹ.
Trong chương trình, anh Lý Trung Hiếu cũng chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích về cách phân bổ ngân sách marketing với hai hướng chính: từ trên xuống (top-down) và từ dưới lên (bottom-up).
Dựa vào mục tiêu doanh thu, đội ngũ lãnh đạo cần tính toán marketing sẽ cần đạt các chỉ số nào, về đơn hàng, lượt truy cập... theo quý, theo tháng để có được con số doanh thu này. Các chỉ số đó, kết hợp cùng các dữ liệu trong quá khứ được dùng để xây dựng nên một ngân sách cho hoạt động marketing.
Khi đã có con số ngân sách dự thảo, đội ngũ marketing sẽ cần tính ngược lại xem số tiền này có thể dùng để đạt được các chỉ số đã đặt ra hay không, từ đó, căn chỉnh lại mục tiêu doanh thu ban đầu (từ dưới lên).
"Startup cần thực hiện đầy đủ cả hai bước này để có thể xây dựng ngân sách phù hợp với mục tiêu doanh thu đặt ra", anh nói.
Anh cho biết thêm, về cấu trúc bộ phận marketing, Tiki hoạt động theo mô hình phòng marketing tại sàn thương mại điện tử, nằm trong Growth Department - đơn vị tập trung vào mục tiêu tăng trưởng doanh thu, với ba nhóm nhiệm vụ chính: Product (phát triển và cải tiến sản phẩm), Growth Marketing (tăng doanh thu), Data & Business Intelligence (xử lý & phân tích dữ liệu). Các nhóm trong phòng này có các nhiệm vụ chuyên biệt, phối hợp nhịp nhàng với nhau để giúp đơn vị bảo đảm doanh số mục tiêu chính xác theo từng ngày.
Buổi chia sẻ của Quản lý marketing Tiki nằm trong chương trình "Khởi nghiệp" do FUNiX tổ chức cho sinh viên các trường đại học theo mô hình FUNiX Way. Khóa học kết hợp chương trình học tập trực tuyến có mentor (cố vấn) hỗ trợ 1-1 với trải nghiệm làm việc nhóm. Tại đây, các bạn cùng lập dự án khởi nghiệp, thảo luận ý tưởng, nghiên cứu thị trường và xây dụng kế hoạch kinh doanh. Mỗi nhóm đều có cố vấn từ các nhà khởi nghiệp, CEO giàu kinh nghiệm và thành công.
Trong quá trình học, cả lớp sẽ tham quan thực tế doanh nghiệp, lắng nghe câu chuyện, thảo luận hay chất vấn trực tiếp các CEO trong những buổi Live case study sau học phần để liên hệ kiến thức với thực tế doanh nghiệp. Cuối khóa học, những nhóm có dự án chất lượng nhất sẽ có buổi showcase, tổng kết cuối khóa để tìm ra cơ hội phát triển tiếp trong các cuộc thi khởi nghiệp cấp trường và gọi vốn đầu tư.
Vân Nguyễn
FUNiX triển khai chương trình "Khởi nghiệp" cho hơn 200 sinh viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2021. Bên cạnh đó, FUNiX cũng ký thỏa thuận hợp tác về phối hợp đào tạo trực tuyến, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều đơn vị như: Đại học Thăng long, Đại học Lạc Hồng, Đại học FPT, Đại học Social Sciences (Singapore)...