Thứ trưởng Bành Tiến Long. Ảnh: Tiến Dũng.
- Sau vụ việc sinh viên Tăng Quốc Bình đang du học tại Nga bị sát hại hôm 9/1 vừa qua, Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng đã có khuyến cáo gì đó với lưu học sinh để tránh lặp lại tình trạng tương tự?- Bộ GD&ĐT có 2 cơ quan chăm lo cho lưu học sinh ở nước ngoài là Vụ Hợp tác Quốc tế và Vụ Đào tạo với nước ngoài. Các cơ quan này chủ yếu làm nhiệm vụ cử học sinh đi du học theo ngân sách Nhà nước. Còn số du học tự túc, trong quy định không yêu cầu phải qua Bộ GD&ĐT mà chỉ cần liên hệ trực tiếp với trường và làm thủ tục ở địa phương.
Trường hợp của Tăng Quốc Bình không phải là duy nhất nhưng là tình huống hết sức bất ngờ. Ngay khi biết thông tin, Bộ GD&ĐT đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam ở Liên bang Nga. Cơ quan này đề nghị sinh viên đi theo bất cứ nguồn ngân sách nào, khi đã trở thành công dân Việt Nam ở nước ngoài cần phải làm thủ tục đăng ký với phòng quản lý lưu học sinh tại Đại sứ quán để vừa được hỗ trợ về giáo dục đào tạo, vừa được hỗ trợ về sinh hoạt, an ninh.
Trong một số tình huống, ở một số nước có tình hình phức tạp, các em tránh đi ra ngoài một mình vào ban đêm. Kể cả ở các nước có an ninh tốt cũng không nên đi khuya. Đấy là kinh nghiệm đối với những người từng đi học ở nước ngoài.
- Ông vừa nói, chính các sinh viên cũng cần có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký với phòng quản lý quản lý lưu học sinh. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực du học, ở những nước có nhiều sinh viên Việt Nam theo học vẫn thiếu cán bộ chuyên trách quản lý lưu học sinh?
- Vừa qua, Bộ GD&ĐT có tuyển một số cán bộ đi quản lý lưu học sinh ở Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc... Vì số lượng lưu học sinh Việt Nam ở một số nước có thay đổi nên việc quản lý lưu học sinh lại giao cho một cán bộ của Đại sứ quán kiêm nhiệm. Còn cán bộ chuyên trách chỉ một số nước lớn mới có, đại bộ phận là thiếu, ví như ngay cả ở Đông Âu.
Việc triển khai thêm cán bộ quản lý lưu học sinh lại phụ thuộc vào Bộ Ngoại giao. Nếu thấy ở nước nào cần cán bộ chuyên trách, Bộ Ngoại giao sẽ thông báo cho Bộ GD&ĐT.
- Nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức các mối liên kết về đoàn thể của Đại sứ quán nước ta tại Liên bang Nga quá kém nên đã gây khó khăn cho việc quản lý lưu học sinh. Quan điểm của ông ra sao?
- Tôi thấy hoạt động quản lý sinh viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga còn có nhiều hạn chế. Người thì ít, đi lại rất khó khăn, phương tiện không dễ dàng và phía bạn cũng quản lý rất chặt. Muốn đi thăm một trường thì phải mất cả một buổi... Thế nên sự kết nối với sinh viên không hề đơn giản.
- Hiện, nhiều cơ sở tư vấn du học vẫn làm việc theo kiểu đem con bỏ chợ. Là cơ quan quản lý giáo dục, Bộ có khuyến cáo gì đối với các cơ sở này trước khi đưa các em sang nước ngoài?
- Các cơ sở ta vấn du học phải có trách nhiệm trong việc đưa các em đi học và đó không chỉ là cam kết nhất thời, làm các thủ tục, đưa sang học là xong. Ngoài ra, họ cũng cần liên hệ với các cơ quan quản lý giáo dục trong nước, các Sở và thậm chí là Bộ GD&ĐT để tạo cầu nối, giúp đỡ nhau trong việc tìm trường...
Tuy nhiên, hiện nay rất đáng tiếc là các cơ sở tư vấn du học không làm được việc đó. Họ chỉ làm mỗi việc sao tuyển được người và đưa người đi là hết trách nhiệm. Điều này theo tôi là không ổn. Không phải bất kỳ cơ quan tư vấn du học nào cũng đảm bảo chất lượng.
- Sắp tới, nhiều sinh viên sẽ tiếp tục lên đường sang nước ngoài du học. Vậy, Thứ trưởng sẽ đưa ra lời khuyên gì để các em ổ định tâm lý yên tâm học tập?
- Theo tôi, cái quý nhất là các em cần trang bị cho mình là sự cảnh giác, tập trung vào học tập theo kế hoạch đã đề ra trên tinh thần luôn luôn tự bảo vệ bản thân và có sự phối hợp trong cộng đồng.
Lần trước, khi sang thăm trường đại học ở Nga, chúng tôi thấy tình cảm của các giáo sư rất tốt, thậm chí còn tốt hơn ngày xưa. Do vậy, không phải chỉ vì một vài trường hợp như của em Bình mà làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hai nước.
Tiến Dũng