Sắp tới là lần thứ 6, Ye Chang Sheng (35 tuổi), Quyền Tổng Quản lý khu nghỉ dưỡng The Anam, đón Tết Nguyên Đán tại Việt Nam. Anh chia sẻ, mỗi thời điểm chuyển giao năm mới và năm cũ, khi nhìn những gia đình nhiều thế hệ sum họp, anh lại thấy rất nhớ nhà, nhớ tuổi thơ. Vì ở Trung Quốc, Tết cũng là khoảng thời gian đặc biệt dành cho gia đình, mọi người cùng nhau chiêm nghiệm về một năm đã qua và cầu mong cho một năm tốt đẹp.
"Thành thật mà nói, Tết Nguyên đán tại hai nước rất giống nhau bởi Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng về truyền thống", anh nói. Những đại gia đình cùng nhau đón Tết có thể gồm 3, 4 thế hệ. Người lớn tuổi thích con cháu quây quần, còn trẻ em thích được nhận lì xì hay hồng bao như một lời chúc tốt đẹp. Anh kể ngày còn nhỏ rất thích được cùng các anh họ kháo nhau xem ai được nhiều lì xì hơn.
Cũng giống như tại Việt Nam, các doanh nghiệp ở Trung Quốc thường không làm việc trong kỳ nghỉ đầu năm. Họ đóng cửa cả tuần, có khi lên đến cả tháng, người lao động từ các thành phố lớn về quê hương để nghỉ ngơi, đón Tết. Ngày Tết ở hai nơi đều có nhiều lễ hội và hoạt động chúc mừng như bắn pháo hoa và múa sư tử, rồng.
Quần áo mới và trang trí nhà cửa cũng là điều không thể thiếu trong dịp Tết. Người Trung Quốc thường treo đèn lồng, câu đối 2 bên cửa và trang hoàng nhà với các loại giấy cắt nghệ thuật. Trong khi ở Việt Nam cây trang trí là hoa đào, hoa mai, tại Trung Quốc người dân thích trưng cây quất. Dịp này, người Việt mời khách bằng ô mai, bánh kẹo, mứt gừng và hạt dưa, thì người Trung Quốc có kẹo gừng và hạt bí.
Ngày đầu năm, các gia đình cũng đi lễ chùa cầu nguyện để mong có một khởi đầu tốt cho năm mới. Người Trung Quốc coi trọng việc xin thư pháp, vì những nét chữ bay bổng tượng trưng cho một sự khởi đầu mới với bao lời chúc may mắn và thịnh vượng. "Ở Việt Nam cũng có nhưng ở Trung Quốc, thư pháp có vẻ phổ biến hơn. Tôi hy vọng rằng truyền thống này sẽ được duy trì để truyền lại cho thế hệ sau", anh nói.
Anh cho rằng, điểm khác biệt rõ rệt nhất trong ngày Tết hai nước là các món ăn. Mâm cỗ Tết của người Việt rất phong phú với những món mà bình thường hiếm khi được ăn. Cũng là một đầu bếp, anh thích nhất bánh chưng bởi đó là sự kết hợp thật hoàn hảo của nhiều nguyên liệu và hương vị truyền thống như nếp, đậu xanh, thịt heo. Dù không thích thịt đông, Chang Sheng đặc biệt ghiền các món dưa muối ăn kèm như củ kiệu, dưa cải. Anh cho biết, người Trung Quốc dành những món đắt tiền nhất cho ngày Tết. Các bữa ăn thường có đầy đủ thịt gà, lợn, cá và hải sản. "Các món ăn vẫn vậy nhưng cách chế biến có phần đặc biệt hơn và khác nhau ở mỗi vùng miền. Tết chúng tôi ăn cả mỳ trường thọ, bánh bao và há cảo", anh nói.
Để phòng chống Covid-19, năm nay chính phủ Trung Quốc khuyến khích người dân không về quê. Chang Sheng cho biết, pháo hoa vẫn được bắn ở nhiều điểm cố định. Người dân vẫn được đến nhà người thân để chúc Tết nhau nhưng ở trong cùng một thành phố và không tụ tập quá 10 người.
Anh chia sẻ, dù nhớ nhà nhưng ở đón Tết ở Việt Nam rất thú vị. Thời điểm này cũng là lúc khu nghỉ dưỡng bận rộn nhất trong năm, vì vậy anh sẽ tiếp tục làm việc và đón năm mới cùng nhân viên, những người anh coi là gia đình. Anh cho biết rất hạnh phúc khi được đón những du khách đến nghỉ dưỡng và trải nghiệm Tết tại resort. Trong hoạt động chào Tết Tân Sửu sắp tới, anh sẽ xin ông đồ tặng chữ để cầu mong nhiều may mắn.
Lan Hương