Ban chỉ đạo chống dịch TP HCM vừa chia các địa phương trên địa bàn thành các mức độ nguy cơ khác nhau để có biện pháp ứng phó phù hợp. Theo đó, nhóm "nguy cơ rất cao" gồm 5 quận: Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ).
Tổng số ca nhiễm tại 6 quận này chiếm gần một nửa số bệnh nhân Covid-19 ở TP HCM. Những địa bàn này cũng xuất hiện nhiều ổ dịch tốc độ lây nhiễm cao, chưa rõ nguồn. Trong đó nhiều nhất là Bình Tân với 536 ca tính đến sáng 29/6. Các ổ dịch lớn trên địa bàn quận này gồm: Ehome 3 (hơn 200 ca); Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn (Khu công nghiệp Tân Tạo) 204 ca; chợ khu phố 2, phường An Lạc (48 ca); trạm Y tế phường An Lạc (12 ca)...
Địa phương này đang phong toả "nội bất xuất ngoại bất nhập" ba khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc với khoảng 60.000 dân trong 14 ngày, từ 0h ngày 20/6 để phòng chống dịch. Trong đó, riêng chung cư Ehome 3 (14 block) với hơn 10.000 dân có một số block bị phong toả từ ngày 30/5.
Để phục vụ việc phong toả, quận Bình Tân đã triển khai 22 chốt chặn tại các đường, hẻm ra vào khu vực bị phong tỏa, với tổng lực lượng tham gia dự kiến gần 200 người mỗi ngày. Cụ thể, đường Hồ Học Lãm đoạn từ Kinh Dương Vương đến Võ Văn Kiệt sẽ chốt chặn, cách ly. Riêng đường Kinh Dương Vương, Võ Văn Kiệt vẫn cho xe chạy nhưng không dừng, đỗ.
Chính quyền địa phương cũng tiếp tục chốt giữ vòng trong tại các hẻm, khu vực có nguy cơ cao, đang bị cách ly, như: chung cư Ehome 3, các hẻm đường Hồ Học Lãm, khu dân cư Nam Long. Các cửa hàng tiện ích trong khu phong tỏa được hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân. Xe ra vào nơi bị phong toả chỉ được chở hàng hóa, không chở người.
Quận 8 là nơi ghi nhận số ca nhiễm cao thứ 2 tại TP HCM với 245 ca tính đến trưa 29/6. Các chuỗi lây nhiễm lớn trên địa bàn gồm: Khu tái định cư phường 16, quận 8 (53) ca; chợ Bình Điền (27 ca)...
Địa phương này đã phong toả khu phố 2, phường 16 (giáp với Khu phố 2, quận Bình Tân nơi có ổ dịch chung cư Ehome 3) từ ngày 21/6 để chống dịch lây lan. Khu vực bị phong toả rộng 90 ha, hơn 2.000 nhân khẩu, 21 doanh nghiệp.
UBND quận lập 5 chốt chặn tại các đường, tuyến hẻm ra vào khu vực thực hiện giãn cách. Cụ thể, đường Hồ Học Lãm đoạn từ ranh phường 16 đến cuối đường và đường An Dương Vương đoạn từ cống Bà Lựu đến cuối đường (phía bến đò), cổng vào khu nhà ở Cần Giờ sẽ được chốt chặn, cách ly. Chính quyền tiếp tục kiểm soát các hẻm, khu vực nguy cơ cao, đang cách ly hiện hữu (các hẻm Hồ Học Lãm, An Dương Vương).
Các cửa hàng tiện ích trong vùng phong toả vẫn được hoạt động cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân. Xe ra vào khu vực phong toả chỉ chở hàng, không chở người. Quận đang phối hợp Sở Công thương đảm bảo lương thực cho người dân; hỗ trợ những gia đình khó khăn.
Địa phương thứ ba nằm trong nhóm nguy cơ rất cao là huyện Hóc Môn với 236 ca nhiễm. Các chuỗi lây nhiễm phức tạp tại địa bàn này gồm: xưởng cơ khí Tuấn Tú, Tân Xuân (69 ca); Công ty Minh Thông (72 ca); chợ đầu mối Hóc Môn (22 ca); ấp Tân Thới 2, xã Tân Hiệp (14 ca); ấp Tân Thới 3 xã Tân Hiệp (40 ca)...
Hóc Môn đang phong tỏa ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3 và một phần ấp Thới Tây 1, thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn trong 14 ngày, từ 0h ngày 20/6. Từ 0h ngày 25/6, huyện phong toả thêm ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm diện tích 5 ha với 439 hộ (1.471 người) và một phần các khu phố 1, 2, 5, 6, 7 thị trấn Hóc Môn rộng 56 ha, với khoảng 1.125 hộ dân (hơn 5.800 người) để chống dịch lây lan.
0h hôm nay, toàn bộ ấp Mỹ Hoà 4, xã Xuân Thới Đông, một phần ấp 3 xã Xuân Thới Thượng và ấp Bắc Lân xã Bà Điểm tổng cộng hơn 6.600 dân bị phong toả trong 14 ngày.
Tân Phú với 173 ca nhiễm cũng được thành phố xếp vào nhóm nguy cơ rất cao. Địa bàn này đang ghi nhận các chuỗi lây nhiễm gồm: chợ Sơn Kỳ 72 ca; bệnh viện Tân Phú (24 ca)... Ngoài ra, một phần TP Thủ Đức cũng được xếp vào nhóm này khi tổng số ca nhiễm tại địa phương này tăng lên 159 ca, tập trung nhiều ở quận Thủ Đức.
Tính đến chiều 29/6, Bình Chánh ghi nhận 166 ca bệnh. Dù không xuất hiện nhiều chuỗi lây nhưng Bình Chánh ghi nhận khá nhiều ca nhiễm liên quan các ổ dịch ở các địa phương khác như xưởng cơ khí Hóc Môn, chung cư Ehome 3, Hội thánh truyền giáo Phục hưng... và một số ca nhiễm chưa rõ nguồn lây.
Ngoài các biện pháp mạnh như phong toả, cách ly, người dân quận huyện nói trên sẽ được ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm trong đợt tổng lực tầm soát nCoV diện rộng cho hơn 5 triệu dân thành phố.
Ngoài nhóm 5 quận huyện có nguy cơ rất cao, TP HCM cũng xếp các quận huyện: 1, 4, 5, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Củ Chi và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và quận 9 cũ) vào nhóm có "nguy cơ cao". Trong đó quận Gò Vấp ghi nhận 176 ca nhiễm, cũng là nơi xuất hiện ổ dịch liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng ở phường 3.
Các quận huyện còn lại xếp vào nhóm có "nguy cơ" gồm quận 3, 6, 10, 11, 7, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè, Cần Giờ. Đây là địa bàn ghi nhận ít ca nhiễm, cao nhất quận 7 phát hiện 42 ca, thấp nhất huyện Cần Giờ mới 2 ca.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 của thành phố hôm 28/6, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho phép Chủ tịch UBND quận huyện được toàn quyền quyết định một số vấn đề, trong đó có việc ra lệnh phong toả các khu vực trên địa bàn để chống dịch.
Tính đến tối qua, TP HCM đã ghi nhận 3.591 ca nhiễm; xếp thứ hai cả nước sau Bắc Giang. 13.486 người đang cách ly tập trung, 27.229 trường hợp đang cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Hữu Công