Có không gian sáng sủa nhưng hơi chật, quán ăn nằm trên đường Cô Bắc, quận 1 lúc nào đông khách dù buổi sáng hay tối. Quán này chỉ bán duy nhất món hủ tiếu Nam Vang với giá 35.000 đồng một tô.
Đa số thực khách đến quán đều chuộng món hủ tiếu khô với chén nước lèo được để riêng, mùi hành phi thơm phức. Sợi hủ tiếu được đánh tơi, không dính, bên trên là lớp thịt bằm, thịt nạc, gan, cật, tôm, trứng cút và lớp hành lá xắt nhuyễn bắt mắt.
Quán hủ tiếu Thành Đạt đông đúc thực khách dù ăn tại chỗ hay mua mang về. Video: Phong Vinh.
Hủ tiếu Nam Vang là món do người Việt sống ở Nam Vang (Phnom Penh ngày nay) chế biến theo phong cách phù hợp. Nước dùng được nấu từ xương, sườn heo.
Sau này, món ăn trở nên phổ biến với nhiều biến tấu hấp dẫn, có thêm lòng heo, trứng cút, và thịt bằm. Tùy theo khẩu vị từng nơi, nhu cầu thực khách mà người bán sẽ điều chỉnh.
Không khác mấy so với các quán hủ tiếu Nam Vang khác ở Sài Gòn, nhưng điểm nhấn làm nên sự thành công ở quán trên đường Cô Bắc là vị nước lèo ngọt tự nhiên, thơm nức mùi tôm.
Ngoài ra, quán còn níu chân thực khách bởi hương vị nước sốt được đựng trong những chiếc bình nhỏ. Khách có thể chan trực tiếp vào hủ tiếu hoặc dùng để chấm các món thịt ăn kèm. Bạn phải tự phục vụ bằng cách lấy chén nhỏ, chế ra vừa đủ ăn để không lãng phí. Bạn cũng có thể thêm thắt chút sa tế, chanh hoặc tỏi băm ngâm chua để thêm vị.
Rau ăn kèm luôn được nhân viên đựng riêng trong đĩa, sạch sẽ, bao gồm giá, hẹ, tần ô, xà lách, rau quế. Đối với những ai không thích ăn sống thì có thể yêu cầu trụng sẵn nước sôi. Trong lúc ăn hủ tiếu, bạn có thể gọi các loại nước uống kèm như sữa bắp, rau má, trà đá,…
Do bán không nghỉ nên quán còn lý tưởng cho những thực khách thích ăn đêm hoặc đi chơi, làm về trễ. Quán sử dụng bàn ghế inox chỉ vừa tầm cho 30 người ngồi. Vào giờ ăn buổi tối, quán thường chật kín, bạn sẽ phải đợi để có chỗ ngồi, hoặc nếu đã có chỗ thì phải đợi khá lâu mới được phục vụ món ăn. Bù lại khách sẽ được giữ xe miễn phí.