Trao đổi với báo chí chiều 25/11, ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, công trình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm có kế hoạch khởi công vào cuối 2014 và hoàn thành 7 tháng sau đó.
Về những ý kiến trái chiều, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho hay, cơ quan này đã tiếp thu và có phản hồi với những hộ dân và nhà khoa học chưa đồng tình.
Ông Hùng cho biết, công trình khi thực hiện đã được minh bạch, công khai, đúng quy định pháp luật. Đa số hộ dân quanh đó đồng tình, có vài hộ phản đối và khiếu kiện. Quận đã gặp gỡ, trao đổi và sẽ tiếp tục làm việc với các hộ dân chưa đồng tình.
Về ý kiến chuyên gia, ông Phó chủ tịch Hoàn Kiếm dẫn chứng: “Lần thứ nhất họp bàn về chủ trương, 14/16 thành viên Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố đồng ý xây dựng công trình, không xây dựng vườn hoa. Lần thứ hai thông qua phương án quy hoạch kiến trúc cụ thể, 14/20 phiếu tán thành xây dựng công trình, không xây dựng vườn hoa”.
Trước lo ngại công trình sẽ phá vỡ không gian, cảnh quan kiến trúc Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cũng như di tích đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm, ông Lâm Quốc Hùng khẳng định, quảng trường chưa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa và công trình không nằm trong phạm vi khoanh vùng di tích Hồ Hoàn Kiếm.
Đồng quan điểm, PGS TS Hà Đình Đức cho hay, công trình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm nằm ngoài phạm vi của di tích cấp Quốc gia đặc biệt - Hồ Hoàn Kiếm.
Theo "nhà rùa học", nếu muốn khôi phục Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục phải giải phóng một diện tích lớn các công trình xung quanh. “Chúng ta phải nhìn vào thực tế. Không nên cứ nói tới xây dựng tại Hồ Gươm là bảo vi phạm, xâm hại di tích cảnh quan”, PGS Đức nêu quan điểm.
Nói tới Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Phan Đăng Long khẳng định, chỉ là địa điểm ghi lại sự kiện.
“Di tích của sự kiện Đông Kinh Nghĩa Thục là ở số 4 Hàng Đào, hiện là nhà dân. Quận và Sở Văn hóa cũng có ý định cắm biển nhưng vướng nhà dân nên chưa xử lý được”, vị Phó trưởng ban Tuyên giáo nói.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội ngày 11/11, ông Phạm Văn Đức (Tổ trưởng Tổ 1, phường Đồng Xuân) kiến nghị không xây dựng công trình tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trả lại không gian thông thoáng và bảo tồn di tích.
Trao đổi về ý kiến trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, Hà Nội là bộ mặt của cả nước, Hồ Gươm lại là bộ mặt của Hà Nội, nên việc xây dựng các công trình ở đây không chỉ cần sự thận trọng mà còn phải tạo được sự đồng thuận.
Chủ tịch Hà Nội đề nghị quận Hoàn Kiếm phải phân tích rõ, lựa chọn thật trí tuệ, công khai quy hoạch để nhân dân biết. “Khi đã có sự đồng thuận thì quyết định làm, vì lợi ích chung, không vì ý kiến 1-2 người mà dừng lại”, ông Thảo nói.
Trường Đông Kinh nghĩa thục mở vào tháng 3/1907 ở phố Hàng Đào do một số nhân sĩ, tri thức khởi xướng và tham gia giảng dạy như Lương Văn Can, Nguyễn Văn Vĩnh... "Đông Kinh" là tên kinh thành Thăng Long thời Lê sơ, sau đổi ra cả vùng đàng ngoài, "nghĩa thục" là trường dạy việc nghĩa. Ban đầu chỉ có ba lớp với khoảng 100 trò, đến tháng 5/1907 khi có giấy phép chính thức, trường tăng lên 8 lớp, chủ yếu dạy chữ quốc ngữ. |
Võ Hải