Sau 10 năm (12/7/1995-12/7/2005), quan hệ Việt Nam - Mỹ đã có những bước tiến dài về nhiều mặt. Hai bên đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi đoàn ở các cấp, giữa các cơ quan chính quyền và Quốc hội hai nước, giữa các bộ, ngành, địa phương, qua đó, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Các cuộc thăm chính thức của lãnh đạo hai nước, nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ B.Clinton tháng 11/2000 và các chuyến thăm Mỹ của các phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm (1998, 2000), Nguyễn Tấn Dũng (2001), Vũ Khoan (2003), là những mốc quan trọng trong quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước thời gian qua.
Việc ký kết và triển khai Hiệp định Thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ (ký ngày 13/7/2000, có hiệu lực từ ngày 10/12/2001) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước được mở rộng và phát triển theo chiều sâu. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước tăng mạnh, năm 2004 đạt gần 6,5 tỷ USD, tăng hơn 4 lần so với năm 2001 khi chưa có Hiệp định Thương mại.
Hiện nay, Mỹ đứng thứ 11 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 256 dự án, trị giá khoảng 1,3 tỷ USD. Ngoài ra, các hiệp định và thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước như: Hiệp định về thiết lập quyền tác giả, Hiệp định về hoạt động của Tổ chức Đầu tư tư nhân nước ngoài (OPIC), Hiệp định Hàng không, Hiệp định Dệt may, Hiệp định hợp tác về khoa học và công nghệ, Thỏa thuận hợp tác về phòng chống ma túy, Thỏa thuận về sáng kiến cạnh tranh Việt Nam... đã tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai hoạt động hợp tác giữa hai nước trên những lĩnh vực liên quan.
Hai bên cũng đã chú trọng phát triển các mối quan hệ về văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, an ninh quân sự, hợp tác về giáo dục đào tạo, y tế, phòng chống HIV/AIDS... Việt Nam đã và đang hợp tác tốt với Mỹ trong việc giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Đến nay, Việt Nam đã trao cho Mỹ hơn 800 bộ hài cốt và hai bên đang tiến hành đợt tìm kiếm hỗn hợp thứ 81. Phía Mỹ cũng đang từng bước hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề hậu quả chiến tranh ở Việt Nam như: nghiên cứu hậu quả chất độc da cam, rà phá bom mìn, trồng cây xanh, trợ giúp nạn nhân...
Trong tiến trình bình thường hóa và phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, có sự đóng góp đáng kể của đại đa số bà con Việt kiều đang sinh sống tại Mỹ. Là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, bà con Việt kiều tại Mỹ đã có nhiều hoạt động góp phần xây dựng quê hương đất nước, đồng thời là cầu nối hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ.
Mặc dù lịch sử quan hệ Việt Nam - Mỹ có nhiều bước thăng trầm; giữa hai nước còn tồn tại khác biệt về một số vấn đề như: dân chủ, nhân quyền, tôn giáo... và phát sinh một số tranh chấp trong quá trình mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại, nhưng hai bên đều thấy rằng cần giải quyết các vấn đề khác biệt thông qua đối thoại thẳng thắn, tôn trọng lẫn nhau, không để ảnh hưởng đến lợi ích rộng lớn giữa hai nước. Việc phát triển quan hệ Việt Nam - Mỹ trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, mà còn góp phần vì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thực tế cho thấy đã có nhiều doanh nghiệp Mỹ vào làm ăn tại Việt Nam và được hưởng lợi từ thị trường hơn 80 triệu dân đang phát triển rất năng động này. Tại Mỹ, nhiều người dân bình thường cũng đã được sử dụng những mặt hàng Việt Nam với chất lượng tốt và giá rẻ. Ngược lại, việc mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ cũng mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Sự gia tăng nhanh chóng về giá trị đầu tư, trao đổi thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây cho thấy rõ điều đó.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế, chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Mỹ nhằm tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường và phát triển quan hệ Việt Nam - Mỹ, đưa quan hệ hai nước phát triển lên một bước mới, nhất là về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ. Đây cũng là dịp để Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO.
(Theo TTXVN)