- Thưa đặc phái viên thương mại của thủ tướng Anh, ông nghĩ thế nào về kinh tế Việt Nam hiện nay, liệu Việt Nam có từ một nước đang phát triển sẽ trở thành nước phát triển được không và trong bao lâu? (Nguyễn Ánh, 45 tuổi)
- Huân tước Puttnam:
Đầu tiên, để mọi người có thể hiểu rõ hơn về tôi, mời mọi người truy cập vào trang web cá nhân của tôi www.davidputtnam.com. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ phải đi qua nhiều bậc trong quá trình phát triển của mình. Trong 10 năm qua Việt Nam đã có nhiều bước phát triển và theo tôi trong 15 năm tới cũng sẽ có những bước chuyển biến rõ nét hơn nữa.
- Xin chào ngài David Puttnam, là đặc phái viên thương mại của thủ tướng Anh tại Đông Dương, ngài đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam? (Kim Sa, 29 tuổi, Hà Nội)
- Huân tước Puttnam:
Môi trường kinh doanh ở Việt Nam có nhiều thuận lợi về mặt dân số và mức độ phát triển, tuy nhiên cũng khá đáng sợ, vì sự phức tạp về thủ tục và giấy tờ, làm nản lòng một số nhà đầu tư. Nhưng nếu Việt Nam có thể mở cửa thông thoáng hơn thì sẽ là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Ví dụ Việt Nam đang ở trong khu vực cạnh tranh rất cao, thu hút nhiều nhà đầu tư ngoài. Tương tự như vậy, châu Âu cũng là khu vực cạnh tranh rất cao, nhiều công ty ở châu Âu cố gắng trở thành dẫn đầu trong từng lĩnh vực nhất định. Chúng tôi cố gắng biến nước Anh trở thành môi trường kinh doanh thuận lợi nhất ở châu Âu. Để thu hút các công ty và để các công ty coi anh là ngôi nhà thứ hai thì Việt Nam cũng đối mặt với tình huống tương tự, các bạn phải biến Việt Nam thành ngôi nhà thân thiện để các nhà đâu tư lựa chọn.
Để có thể đạt được điều đó, chính phủ sẽ phải đặt câu hỏi rào cản thương mại có cần thiết hay không, để đơn giản hóa các thủ tục hay không. Nếu trả lời được câu hỏi đó thì Việt Nam cũng sẽ thành công như nước Anh từng thành công trong quá khứ.
- Với tư cách là đặc sứ về kinh tế thương mại, ông có chương trình hành động gì để thúc đẩy xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh và ngược lại. Cảm ơn ông. (Đăng Khoa, 30 tuổi, HCMC)
- Huân tước Puttnam:
Tôi nghĩ lộ trình của tôi không rõ ràng về việc thúc đẩy đầu tư. Mục tiêu của tôi là xây dựng một cơ sở vững chắc cho quan hệ thương mại giữa hai nước. Để thúc đẩy xuất khẩu, có nhiều công ty thương mại làm điều đó tốt hơn tôi.
Nhưng cuộc đời dạy tôi rằng điều quan trọng nhất trong cuộc sống là phải có quan hệ, từ đó mới xây dựng được sự hợp tác hiệu quả. Một mối quan hệ chỉ thành công và tồn tại lâu dài nếu cả hai bên cùng có lợi, không phải bên thắng bên thua.
Nhiệm vụ của tôi là hỗ trợ đại sứ quán, chính phủ Anh xây dựng mối quan hệ lâu dài, hiệu quả, bền vững. Trong quá khứ, quan hệ hai nước khá phức tạp nhưng tôi tin tưởng trong tương lai sẽ có những tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
- Xin hỏi ngài đại sứ, nếu nói một cách ngắn gọn thì mối quan hệ giữa Anh và Việt Nam có những thay đổi gì sau khi hai nước nâng tầm lên mức đối tác chiến lược của nhau? (Hoàng Long, 34 tuổi, Hải Phòng)
- Đại sứ Stokes:Lời đầu tiên, tôi xin gửi lời cảm ơn tới VnExpress cho tôi cơ hội nói chuyện với các độc giả. Tôi rất ngưỡng mộ cách mà tờ báo sử dụng các công cụ rất hữu dụng và năng động để giao tiếp với độc giả. Tôi rất vinh dự có mặt ở đây.
Kể từ khi hai nước ký đối tác chiến lược ba năm trước, quan hệ thay đổi trên nhiều phương diện. Thứ nhất, đó là cơ sở để tăng quan hệ hợp tác tương lai, là bước đệm cho các công việc trong tương lai hai nước thể hiện cam kết đó. Cách đầu tiên là đưa quan hệ lên tầm cao mới. Nhìn từ phương diện chính trị chúng ta đã có cuộc đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước. Ví dụ lần đầu tiên có tổng bí thư của đảng Việt Nam sang thăm Anh tháng giêng năm nay.
Cách thứ hai là mở rộng quan hệ ra với những lĩnh vực mới. Trước kia chúng ta tập trung hỗ trợ phát triển và Việt Nam nhận tài trợ của Anh, nhưng trong tương lai chúng ta sẽ có mối quan hệ cân bằng hơn. Ví dụ chúng ta sẽ hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực khoa học công nghệ hay tài chính, hợp tác quốc phòng. Chúng tôi mới bổ nhiệm tùy viên quốc phòng Anh tại Việt Nam.
Cách thứ ba là làm sâu sắc hơn mối quan hệ, với các cơ quan của đảng, các cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản trị nhà nước.
- Ông có thể nói chi tiết hơn về triển vọng hợp tác quốc phòng giữa hai nước không? Cảm ơn ông. (Thanh Cong, 54 tuổi)
- Đại sứ Stokes:
Tôi nhận thấy những triển vọng rất lớn trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi vừa bổ nhiệm một tùy viên quân sự đầu tiên tại Việt Nam. Tháng sau, ông ấy sẽ có mặt ở đây. Chúng tôi cũng đang đón chờ một con tàu ngoại giao cập cảng TP HCM tháng 12 năm nay. Đó là những hoạt động thắt chặt quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
Ngày nay, quốc phòng không còn là vấn đề của một quốc gia riêng biệt nữa mà là của cả thế giới. Chúng tôi muốn làm việc về những vấn đề chung của thế giới, như chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Tôi tin Việt Nam và Anh sẽ còn nhiều vấn đề nữa để hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.
- Chào ngài Huân tước David Puttnam, xin ngài chia sẻ về những kỷ niệm hay ấn tượng sâu sắc của ngài về Việt Nam. (Nguyễn Hà, 24 tuổi, Thành công Hà nội)
- Huân tước Puttnam:
Tôi từng đến Việt Nam cách đây 12 năm, và những kỷ niệm lưu lại trong tôi thật sự tốt đẹp. Khi đó tôi là Chủ tịch của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Anh Quốc. Vào thời điểm đó, tôi thấy Việt Nam là một trong những nước tiếp nhận và sử dụng tốt nhất hỗ trợ của UNICEF. Quan hệ thời gian đó cũng rất tốt đẹp và những ấn tượng tốt vẫn còn lưu dấu trong tôi.- Tôi được biết ngài David Puttnam là một nhà sản xuất phim nổi tiếng của Anh và mang tầm thế giới, vậy xin hỏi ngài là với tư cách là một nhà sản xuất phim ngài đã từng xem một bộ phim của Việt Nam bao giờ chưa và nếu có ngài có ấn tượng như thế nào? (Nguyễn Văn Sơn, 40 tuổi, Đà Nẵng)
- Huân tước Puttnam:
3 năm trước tôi có cơ hội làm giám khảo Liên hoan phim Châu Á-Thái Bình Dương. Tôi đã được xem các bộ phim của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuy nhên, trong vòng 17 ngày tôi phải xem 31 bộ phim nên tôi không thực sự nhớ rõ bộ phim nào, nhưng tôi vẫn rất ấn tượng với sự phát triển của nền điện ảnh châu Á.
- Xin hỏi ngài David Puttnam, trong sự nghiệp làm phim của mình, tác phẩm nào có ý nghĩa như bước ngoặt trong cuộc đời làm điện ảnh của ông và ông có thể cho biết ngắn gọn vì sao? (Minh Hà, 33 tuổi, TP HCM)
- Huân tước Puttnam:
Vào những thời điểm khác nhau, chúng ta có thể xây dựng những sản phẩm làm thay đổi cuộc đời mình. Giai đoạn đầu tôi làm những bộ phim nhỏ kể lại câu chuyện cuộc đời tôi. Chúng hết sức thành công vì thể hiện tiếng nói dành cho những người thuộc thế hệ tôi thời điểm đó.
Sau đó tôi có những tiến bộ trong sự nghiệp, khi chuyển từ nhà sản xuất phim của Anh sang nhà sản xuất phim tầm cỡ thế giới với nhiều giải thưởng quốc tế. Phim Chariot of Fire là phim tôi được giải Oscar. Bạn thử tưởng tượng xem, một buổi sáng thức dậy tôi được giải Oscar. Đó là phim thứ hai tôi được đề cử, sau phim Midnight Express.
Nhưng phim thực sự tạo ra mối quan hệ giữa tôi với châu Á là Killing Field (Cánh đồng chết) sản xuất năm 1983. Nhờ bộ phim đó mà tôi biết đến như là một nhà sản xuất phim về châu Á. Bây giờ tôi chủ yếu giảng dạy về làm phim. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về hoạt động của tôi qua trang web cá nhân của tôi, nơi đăng tải các bài giảng, hoạt động hội thảo của tôi.
- Chào Ngài David Puttnam, tôi biết đến Ngài với tư cách là nhà sản xuất của nhiều bộ phim lớn như The Killing Field. Bây giờ tại Việt Nam, ngài đã nhìn thấy ý tưởng cho một bộ phim nào đó lấy bối cảnh Việt Nam hoặc về Việt Nam chưa? Nếu có sự hợp tác nào đó giữa điện ảnh Anh và Việt Nam, theo ngài, có thể bắt đầu từ đâu? (Vân Anh, 32 tuổi, Hà Nội)
- Huân tước Puttnam:
Tôi nhìn thấy Việt Nam và Anh có nhiều triển vọng hợp tác về lĩnh vực phim ảnh, tôi không thấy có lý do gì để không hợp tác trong lĩnh vực đó. Trong 50 năm qua, Việt Nam có hàng nghìn câu chuyện hay có thể chuyển tải và kể cho các bạn bè quốc tế. Thách thức là làm thế nào để chuyển tải một cách nhân văn, đó là thách thức của đạo diễn, của quay phim, để những câu chuyện đó trở thành câu chuyện không chỉ của Việt Nam mà dành cho cả cộng đồng quốc tế.
- Xin chào ông David Puttnam, cháu được biết ông là một người đã từng sản xuất phim, vậy ông cho biết bí quyết để làm được những bộ phim hay và thành công như vậy? (Nguyễn Thị yến, 18 tuổi, Hải phòng)
- Huân tước Puttnam:
Nghề sản xuất phim cũng giống những nghề khác, các bạn phải chuyên nghiệp. Các bạn phải kiểm soát được tất cả mọi thứ xuất hiện trên màn ảnh. Để là nhà sản xuất phim giỏi, các bạn cần có kỹ năng viết tốt, vì các bạn phải chỉnh sửa kịch bản. Ngoài ra, các bạn cũng phải tự tin với sản phẩm của mình và có trí tưởng tượng thật tốt.
Bản thân tôi phát triển nghề từ viết lách, đến đạo diễn đến sáng tác nhạc. Tôi nhận thấy nền tảng này rất hữu ích cho mình. Một nhà sản xuất phim phải biết hòa trộn nhiều kỹ năng. Ngoài ra, cần có kỹ năng thương mại thì mới có một bộ phim thành công. Điều đó cũng tương tự một nhà phát triển bất động sản. Bạn cần có hiểu biết về kiến trúc, vị trí tòa nhà, giá trị thị trường của tòa nhà, từ đó mới tạo nên một công trình xây dựng hoàn chỉnh.
- Xin hỏi ngài Huân tước Puttnam, với tư cách là một nhà sản xuất phim nổi tiếng trên thế giới, ngài có lời khuyên gì cho Việt Nam để có thể phát triển thành một nền điện ảnh tầm cỡ trong khu vực? (Đinh Thanh Hương, 35 tuổi, Hà Nội)
- Huân tước Puttnam:
Lời khuyên của tôi hết sức đơn giản: Hãy nhìn ra các nền điện ảnh thành công ở nước ngoài, từ đó có thể rút ra các bài học cho Việt Nam. Có thể thấy phim Việt Nam đang được trình chiếu quá ít. Tôi nghĩ cần nhiều nhiều rạp chiếu phim hơn nữa để có thể chiếu phim Việt Nam.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là Việt Nam cần thu hút sự chú ý của người trẻ xem phim Việt Nam, tạo thói quen cho họ xem phim Việt thường xuyên. Nếu không có lượng khán giả trẻ, điện ảnh Việt không thể phát triển.
Một điểm khác nữa là Việt Nam cần thu hút đầu tư nhiều hơn nữa vào ngành công nghiệp điện ảnh, làm sao để các nhà đầu tư chịu bỏ tiền vào sản xuất phim. Điều đó có nghĩa là tạo ra thị trường cho điện ảnh Việt. Đây không phải là điều gì kỳ diệu, nó cũng giống như sản xuất hàng hóa vậy, cần tạo ra thị trường và sản xuất phim đáp ứng thị trường đó.
Tôi xin trở lại kinh nghiệm của tôi khi làm phim. Khi còn là nhà sản xuất trẻ, tôi làm phim về cuộc đời tôi, hướng tới đối tượng khán giả trẻ. Tương tự đối với Việt Nam, cần thu hút các đạo diễn trẻ làm phim trẻ làm phim về giới trẻ, truyền cảm hứng cho họ. Chúng ta nên khuyến khích nền điện ảnh Việt phát triển dựa vào giới trẻ.
- Tôi có một câu hỏi với ngài Đại sứ rằng, hiện việc cấp visa từ Việt Nam đã được chuyển qua Bangkok xử lý, vậy trong trường hợp tôi cần visa khẩn cấp để công tác tại Anh thì sứ quán có dịch vụ gì để trả kết quả nhanh hay không? (Đinh Văn Nam, 35 tuổi, Hà Nội)
- Đại sứ Stokes:
Tôi rất vui mừng khi được trả lời câu hỏi này. Khi hoạt động cấp visa được chuyển sang làm tại Bangkok, dịch vụ trở nên nhanh hơn và tốt hơn. Hiện chúng tôi đã cung cấp nhiều visa hơn với tốc độ nhanh hơn trước. Chúng tôi năm nay mở trung tâm visa ở TP HCM. Tại đây chúng tôi chấp nhận mọi loại visa và các bạn có thể xin visa ở cả TP HCM và Hà Nội. Nếu các bạn đồng ý chờ 15 ngày làm việc thì visa luôn sẵn sàng cho các bạn.
Chúng tôi hôm qua cũng mới khai trương dịch vụ dành cho những người cần visa khẩn. Người nộp đơn sẽ phải đóng thêm khoản phí nhất định, nhưng đơn chỉ mất từ 3-5 ngày làm việc là có kết quả visa. Về thông tin chi tiết, các bạn có thể lên trang Facebook, hoặc trang web của sứ quán để tham khảo thêm.
- Thưa ngài Đại sứ, tôi là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học, tôi muốn hỏi là để sang sinh sống và học tập tại nước Anh, tôi cần phải đáp ứng những yêu cầu thị thực nào? (Nguyễn Thị Phương, 22 tuổi, Hải Dương)
- Đại sứ Stokes:
Tôi rất vui khi thấy em có ý định du học Anh vì nước Anh hoàn toàn có điều kiện để cung cấp cho em những dịch vụ giáo dục tốt nhất. Hiện nay đã có hàng nghìn sinh viên Việt Nam theo học tại Anh, nhưng tôi vẫn rất mong chờ có thêm nhiều sinh viên nữa, đặc biệt là những độc giả thông thái của VnExpress.
Việc đầu tiên là em phải được một trường đại học ở Anh nhận vào học. Tiếp theo, em có thể xem trang web của đại sứ quán Anh về những hướng dẫn chi tiết để chuẩn bị visa vào Anh. Nếu em đã được nhận vào học thì việc này khá đơn giản.
Tôi khuyên các em nên thành thật và nộp hồ sơ xin visa sớm 15 ngày trước khi bay. Hầu hết các sinh viên Việt Nam xin visa vào Anh đều được chấp thuận. Chúng tôi rất mong được đón các sinh viên giỏi của Việt Nam đến Anh nên lúc nào cũng hoan nghênh các em.
- Thưa ông đại sứ, lời đầu tiên xin chào mừng ông tới Việt Nam. Xin ông cho biết hình ảnh "Running Man" Vũ Xuân Tiến có đóng góp như thế nào trong quan hệ ngoại giao hai nước? (Mai Văn Nam, 48 tuổi, Hà Nội)
- Đại sứ Stokes:
Câu chuyện về Vũ Xuân Tiến là một câu chuyện hết sức tuyệt vời. Nó thể hiện sức trẻ, sự năng động, kiên cường của người Việt Nam. Tiến đã có cơ hội đến sân vận động Emirates ở London. Tôi đã gặp em khi em trở về và nghe kể về chuyến đi đó. Hiện tôi đang bận rộn chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tôi định lúc nào có thời gian sẽ viết một bài blog về câu chuyện của Tiến.
Chúng tôi cũng rất vui mừng khi nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Arsenal, một đội bóng hàng đầu của Anh đã đến chơi tại sân vận động Mỹ Đình. Tôi tin là đến hôm nay thì Arsenal vẫn là đội bóng dẫn đầu ở Ngoại hạng Anh. Tôi hy vọng họ sẽ có dịp trở lại Việt Nam.
- Xin hỏi ngài một câu hỏi, sắp tới chính phủ Anh có kế hoạch hỗ trợ gì để giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn không? Lĩnh vực bất động sản có phải là lĩnh vực quan tâm của chính phủ Anh đối với nền kinh tế Việt Nam hay không? (Do Toan Thang, Hà Nội)
- Đại sứ Stokes:
Tôi nghĩ Anh quốc đã có những thành công lớn về kinh tế, ví dụ như trung tâm tài chính Canary Wharf. Họ đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, lúc đầu đi từ con số không và nay trở thành trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất châu Âu. Dù khó khăn nhưng nhờ đúng kế hoạch, đúng tiến độ và nằm trong ngân sách, dự án đã thành công. Từ những kinh nghiệm đó, chúng tôi có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng hạ tầng cơ sở.
Chiều nay Huân tước Puttnam sẽ vào TP HCM, tham dự lễ trao giải "Thử thách về thiết kế và xây dựng". Đây là cuộc thi dành cho sinh viên về thiết kế trung tâm tài chính Thủ Thiêm một cách bền vững. Thủ Thiêm có nét tương đồng với trung tâm Canary Wharf và hoàn toàn có thể phát triển như Canary Wharf. Chúng tôi muốn mang những kinh nghiệm đó để hỗ trợ cho Việt Nam trong những dự án như thế này.
Tương tự như vậy, chúng tôi cũng muốn mang kinh nghiệm tổ chức Olympics và Paralympics 2012, hy vọng có thể giúp Việt Nam trong việc tổ chức Á Vận hội năm 2019.
- Quan hệ Việt-Anh đang phát triển tốt đẹp với nhiều đoàn cấp cao của Việt Nam đã sang thăm Anh. Nhưng vì sao cho đến nay, Thủ tướng Anh vẫn chưa sang thăm Việt Nam? Trên cương vị của mình, ngài đại sứ có mong muốn được tham gia chuẩn bị cho một chuyến viếng thăm như vậy không? Nếu có thì vào khoảng thời gian nào? Xin cảm ơn. (Thanh Hà, 46 tuổi, Ottawa, Canada)
- Đại sứ Stokes:
Tôi có vinh dự được thông báo rằng trong chuyến thăm Anh hồi tháng 1, Ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có cuộc gặp riêng với thủ tướng Anh. Sau đó tôi có cơ hội hỏi Ngài thủ tướng về kế hoạch sang Việt Nam và tôi xin trả lời rằng ngài thủ tướng rất quan tâm và mong muốn sang thăm Việt Nam. Ông từng sang Việt Nam nhưng không phải trên cương vị thủ tướng và ông có ấn tượng rất tốt trong chuyến thăm cá nhân này. Tôi nghĩ đây chỉ là vấn đề thời gian và chuyến thăm sẽ sớm trở thành hiện thực.
- Xin chào ngài Stokes, ngoại trừ học bổng danh giá Chevening, chính phủ hai nước còn tạo những cơ hội gì về giáo dục cho sinh viên Việt Nam sang Anh, ví dụ như một học bổng khác? (Nguyễn Phước Bảo Trí, 23 tuổi, 39 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM)
- Đại sứ Stokes:
Cảm ơn các bạn đã đề cập đến học bổng mà chúng tôi rất tự hào và đang mở rộng hơn nữa. Khác với các nước, Anh cấp nhiều học bổng cho sinh viên nước ngoài, tập trung vào những lĩnh vực cụ thể. Tôi hy vọng chính phủ Anh sẽ tạo ra những học bổng như thế nhiều hơn nữa. Tôi cũng khuyến khích các bạn tìm hiểu học bổng của các trường. Hội đồng Anh cũng là một địa chỉ có thể giúp đỡ cho các bạn.
- Tôi biết quan hệ hai nước Việt-Anh là đối tác chiến lược, người Anh cũng đã đầu tư khá lớn vào thị trường Việt Nam. Song, tôi thấy về nông nghiệp nông thôn và nông dân thì chưa có "bóng dáng" của người Anh đầu tư vào lĩnh vực này. Ông có thể cho tôi biết nguyên nhân là do người Việt chúng tôi không kêu gọi đầu tư hay các ông "chán" đầu tư vào lĩnh vực này? (Hoàng Lê Phương, 19 tuổi, Đô Lương-Nghệ An)
- Đại sứ Stokes:
Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn vì trước kia nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo, và cũng nhờ nông nghiệp, Việt Nam là nhà xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu trong một số lĩnh vực cụ thể. Thách thức không chỉ là việc nâng cao năng suất mà quan trọng hơn, Việt Nam cần nhìn nhận lại toàn bộ quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm và tạo ra nhiều giá trị tăng thêm, xuất khẩu không chỉ sản phẩm thô mà là sản phẩm tinh.
Anh là nước có kinh nghiệm trong vấn đề này và hoàn toàn có thể hỗ trợ Việt Nam. Trên phương diện tạo giá trị thêm cho nông sản Việt Nam, Anh đã cung cấp nhiều tài trợ và có dự án lớn của Quỹ thách thức của Bộ phát triển quốc tế Anh giúp đỡ Việt Nam. Về phương diện tiếp cận thị trường, Anh có thương hiệu, chuỗi bán lẻ nổi tiếng, nhưng thách thức với Việt Nam là cần mở cửa thị trường để thu hút các công ty và thị trường bán lẻ ở Việt Nam. Một khi thị trường Việt Nam mở cửa thì chúng tôi có cơ hội để mang những kinh nghiệm và kỹ năng để chia sẻ cho Việt Nam.
- Những năm qua, đã có nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn Anh là điểm đến để học tập. Họ cũng rèn luyện thêm kỹ năng tự lập là đi làm thêm vào những thời gian rảnh rỗi theo quy định. Nhưng từ gần một năm nay có quy định cấm sinh viên không được làm thêm, cộng với những khắt khe trong việc xin Visa đã làm nhụt chí của những du học sinh và họ sẽ chuyển hướng sang các nước khác . Ngài nghĩ gì về vấn đề này? (Phạm Thanh)
- Đại sứ Stokes:
Chúng tôi luôn ủng hộ các bạn chọn Anh để du học và không muốn làm bất cứ điều gì khiến các bạn nhụt chí. Tất nhiên, có những hạn chế về visa. Nếu bạn xin visa đến Anh để học thì bạn chỉ được học mà thôi. Chúng tôi đang cân nhắc các quy định để hỗ trợ sinh viên nhiều hơn và không cản trở các bạn du học Anh.
Với việc có thêm trung tâm cấp visa mới tại Hà Nội, chúng tôi đang nghiên cứu các quy định để giúp đỡ sinh viên xin visa dễ dàng hơn. Hãy tìm hiểu thêm thông tin ở website của chúng tôi.
Lời kết:
Đại sứ Stokes: Tôi xin gửi lời cảm ơn các độc giả đã gửi những câu hỏi rất hay cho chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy vui mừng đến VnExpress và trả lời cuộc phỏng vấn như thế này. Cách đây vài tháng, tại Đại sứ quán chúng tôi cũng tổ chức giao lưu với độc giả qua Facebook về an toàn cho báo chí tác nghiệp và trong tương lai chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục giao lưu với độc giả. Tôi hy vọng sẽ còn tiếp tục được đến VnExpress trả lời phỏng vấn trực tuyến.
Huân tước Puttnam: Ngoài việc là một nhà sản xuất phim và quảng bá thương mại cho Anh, tôi cũng phụ trách quảng bá truyền thông kỹ thuật số cho Ireland. Chúng tôi khuyến khích tất cả mọi người sử dụng Internet, từ những người già, người khuyết tật, tới các doanh nghiệp.
Vì vậy, tôi rất vui được giao lưu trực tuyến với các độc giả qua Internet. Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với các đội ngũ phóng viên trẻ của VnExpress thực hiện cuộc phỏng vấn hôm nay. Các bạn đều đang ở độ tuổi dưới 30 tuổi và các bạn đang thực hiện cuộc giao lưu với độc giả trên toàn thế giời từ căn phòng này, nên thế hệ của các bạn chắc chắn sẽ là tương lai của thế giới.
VnExpress