Hy vọng của cặp vợ chồng người Mỹ được thắp lên sau khi Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato hôm qua cho biết một số hành khách nhất định trên Diamond Princess, du thuyền đang bị cách ly tại cảng Yokohama, tỉnh Kanagawa, có thể lên bờ.
Du thuyền này cùng hơn 3.700 hành khách, thành viên thủy thủ đoàn đã bị cách ly tại cảng từ ngày 4/2, sau khi một hành khách 80 tuổi từ Hong Kong đi tàu tháng trước dương tính với nCoV.
Vợ chồng John và Carol Montgomery nghĩ rằng họ đủ tiêu chuẩn được lên bờ, vì hai người đã phải ở trong một cabin không có cửa sổ và ban công suốt 10 ngày qua, trong khi ông Montgomery, 68 tuổi, mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, hy vọng của họ tắt ngúm khi thuyền trưởng Diamond Princess sau đó đưa ra các tiêu chí chặt chẽ hơn so với thông báo mơ hồ của Bộ trưởng Kato.
Theo đó, chỉ những hành khách trên 80 tuổi đang có bệnh lý nền hoặc sống trong cabin kín mới được rời tàu. "Có vẻ như chúng tôi sẽ không được đi đâu hết", bà Montgomery, 67 tuổi, cho hay.
Bình luận viên Motoko Rich của NY Times nhận định sự trông chờ và hụt hẫng của hành khách trên du thuyền Diamond Princess phản ánh cách xử lý dịch viêm phổi corona (Covid-19) vụng về của Nhật Bản.
Kể từ khi du thuyền bị cách ly, các ca nhiễm nCoV mới trên tàu tăng lên gần như hàng ngày. Hiện có 218 ca nhiễm trong số 3.711 người trên tàu, biến nó thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Nhật Bản cũng trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc và Philippines có người nhiễm nCoV tử vong, sau cái chết của một cụ bà trong độ tuổi 80 ở tỉnh Kanagawa hôm qua. Bộ trưởng Kato cho biết mối liên hệ giữa nCoV với cái chết của bà chưa rõ ràng, nhưng kết quả xét nghiệm dương tính với virus được xác nhận sau khi bà qua đời. Cụ bà cũng xuất hiện các triệu chứng bệnh dù dường như chưa từng đến Trung Quốc.
Trong khi giới chức Nhật đang xem xét khả năng kéo dài lệnh cách ly tàu Diamond Princess, dự kiến kết thúc vào ngày 19/2, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng hàng nghìn người sống trong không gian chật hẹp trên tàu có thể truyền bệnh cho nhau.
Bác sĩ Peter Katona, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, Mỹ, cho rằng không gian kín trên con tàu là môi trường thuận lợi cho virus lây lan, dù giới khoa học còn nhiều điều chưa biết về phương thức nCoV lan truyền.
Việc Bộ Y tế Nhật Bản cho phép một số người rời Diamond Princess được cho là hành động nhằm xoa dịu không khí căng thẳng trên tàu. Theo tài liệu Bộ Ngoại giao Nhật Bản cung cấp cho các đại sứ quán, chính phủ nước này đang thảo luận kế hoạch xét nghiệm nCoV cho một số người trên tàu, nhằm xác định khả năng cho phép thêm nhiều người rời du thuyền để cách ly trên đất liền. Nhiều hành khách kêu gọi xét nghiệm cho tất cả, nhưng Tokyo nói rằng việc này không thực tế.
Nỗi căng thẳng của những người trên tàu ngày càng tồi tệ trước thông tin số ca nhiễm gia tăng và một số người trong tình trạng nghiêm trọng. "Tôi đã làm hết sức để mọi người giữ bình tĩnh, nhưng giờ đây mọi thứ đang trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Việc ở lại trên tàu dường như đặt chúng tôi vào nguy hiểm mỗi ngày", Sarah Arana, nhân viên y tế người Mỹ, cho biết trong một tin nhắn gửi từ du thuyền.
Một số nhà dịch tễ học cho rằng phần lớn những ca dương tính với nCoV đã nhiễm virus trước khi lệnh cách ly Diamond Princess được áp dụng hôm 4/2. Hành khách Hong Kong mắc bệnh rời tàu từ hôm 25/1. Hơn một tuần kể từ đó, các hành khách đã cùng nhau dùng buffet, ngồi gần nhau trong các buổi biểu diễn trong nhà hát và quây quần chơi mạt chược.
"Đây là một hiện tượng tự nhiên trong dịch tễ học", bác sĩ Allen Cheng, chuyên gia tại Đại học Monash, Australia, cho biết. "Người đầu tiên nhiễm bệnh có thể đã lây cho nhiều người khác. Những ca thứ cấp lại dẫn tới các trường hợp ở cấp tiếp theo. Điều chúng ta chứng kiến hiện nay là sự ủ bệnh của những người cấp thứ ba đó".
Với việc các thành viên thủy thủ đoàn ăn ở, sinh hoạt gần nhau, mọi người càng ở trên tàu lâu thì nguy cơ lây nhiễm mới càng tăng lên, bình luận viên Rich cho hay. Mối nguy hiểm thể hiện qua việc một quan chức Bộ Y tế Nhật Bản nhiễm nCoV sau khi tiến hành đánh giá triệu chứng của các hành khách và thủy thủ đoàn. Người này đã đeo khẩu trang và găng tay, nhưng không mặc đồ bảo hộ.
"Có khả năng các ca lây nhiễm đã lan rộng, bất chấp thực tế hành khách bị cách ly trên tàu. Tốt hơn hết là để họ lên bờ, bởi chúng ta không biết nguyên nhân lây nhiễm tại giai đoạn này", Mitsuyoshi Urashima, giáo sư dịch tễ học tại Bệnh viện Đại học Jikei, Nhật Bản, nêu ý kiến.
Bản thân hành khách cũng lo ngại nguy cơ những người có khả năng từng tiếp xúc với các ca bệnh sẽ bị cách ly lâu hơn. "Logic và cơ sở của việc cách ly là nếu mọi người không sốt, không có dấu hiệu ốm sau 14 ngày đồng nghĩa với không nhiễm virus. Tuy nhiên, vấn đề là trên con tàu nuôi virus này, chúng tôi có thể tương tác với ai đó nhiễm bệnh ngay trước khi lệnh cách ly kết thúc", ông Montgomery nói.
Hành khách này kể thêm rằng khi ông cùng vợ ra ngoài để hít thở không khí trong lành theo quy định vào hôm 12/2, họ bắt gặp một hành khách khác đang ho trên hành lang. "Vì vậy, toàn bộ tình hình hiện nay dựa trên một logic sai lầm", ông cho hay.
Trong cuộc họp hồi đầu tuần, Masami Sakoi, quan chức Bộ Y tế Nhật Bản, cho biết những người tiếp xúc với hành khách nhiễm nCoV có thể phải bắt đầu lại quá trình cách ly kéo dài hai tuần. Nhiều người, trong đó có bà Montgomery, đề nghị chính phủ các quốc gia có hành khách hoặc thành viên thủy thủ đoàn trên Diamond Princess cho phép công dân cách ly tại cơ sở trên đất liền.
"Tôi nghĩ sẽ hiệu quả hơn nếu đại sứ quán Mỹ đưa chúng tôi lên bờ và di chuyển khỏi đây, sau đó cách ly và xét nghiệm cho chúng tôi", bà nói.
Tuy nhiên, việc tìm cơ sở cách ly đủ sức chứa số lượng người lớn như vậy, đồng thời đảm bảo an toàn và chăm sóc y tế đúng cách, sẽ là một thách thức lớn, đặc biệt khi Nhật Bản xuất hiện nhiều ca bệnh mới. Hôm 13/2, Bộ Y tế nước này công bố ba trường hợp nhiễm nCoV mới, trong đó có một tài xế taxi và một bác sĩ.
Bất chấp căng thẳng gia tăng, một số hành khách vẫn cố gắng tận dụng thời gian mắc kẹt trên tàu. Aun Na Tan, công dân Australia đang ở chung cabin không có cửa sổ với chồng cùng hai con, cho biết cả nhà cùng chơi bài và xem phim trong thời gian rảnh.
Trong không gian chật hẹp, người phụ nữ 43 tuổi cho hay con gái cô lúc nào cũng sà vào lòng mẹ khi nằm trên giường. "Tôi chỉ đang tận hưởng, bởi những cơ hội như vậy ngày càng ít đi lúc con tôi dần lớn lên", Tan nói. Thậm chí những người đủ điều kiện lên bờ vẫn muốn ở lại trên tàu.
"May mắn thay, chúng tôi đang ở trong căn phòng lớn hơn một chút nên cảm thấy ổn", Masako Ishida, người phụ nữ 61 tuổi đang du lịch cùng mẹ và bố dượng, những người đều trong độ tuổi 80, cho hay. "Chúng tôi không thấy phiền chút nào kể cả trong trường hợp phải rời đi cuối cùng. Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu chúng tôi ở đây đến ngày 19/2 và thư giãn".
Ánh Ngọc (Theo NY Times)