UBND quận Hà Đông vừa phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc Dự án khu công viên văn hóa - vui chơi, giải trí, thể thao nằm trên hai phường Hà Cầu và Kiến Hưng.
Kết quả thi tuyển cho thấy phương án đoạt giải có 4 quảng trường nằm ở 4 cổng chính công viên. Quảng trường truyền thống trên 17.300 m2 là trung tâm, đại diện cho nền văn hóa Xứ Đoài, thể hiện sự tích Sơn Tinh - Thủy Tinh, tình yêu của con người với đất nước, với cuộc sống sinh tồn. Nền quảng trường vì thế được vẽ hình ảnh voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.
Quảng trường Lễ hội rộng 11.470 m2 là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí nên xung quanh được tăng cường các không gian, sân bãi cho trẻ em hoạt động tự do, rèn luyện kỹ năng vận động. Trong khuôn viên sẽ có các khu vườn cổ tích, trượt nghệ thuật, sân cầu lông, đá cầu... Bố cục sân theo nhiều vòng tròn đồng tâm, được tạo bằng các dải cây xanh, dải màu vật liệu.
Quảng trường Ký ức rộng trên 15.500 m2 có thể là nơi vinh danh các nhân tài đất nước (phù điêu, tượng bán thân...). Ở tâm của quảng trường là biểu tượng dải lụa tạo hình giống chiếu lệnh của vua Lê Nhân Tông cử danh nhân Hoàng Trình Thanh (người làng Đa Sĩ, nay thuộc phường Kiến Hưng, Hà Đông) đi sứ nhà Minh từ năm 1443 đến 1460, có nhiều đóng góp cho dân tộc.
Quảng trường thể dục thể thao rộng hơn 8.200 m2 được cách điệu bằng các đường cong mạnh, kết hợp với màu sắc của 5 châu (5 vòng tròn Olympic) tạo nên biểu tượng, tinh thần đoàn kết các châu lục, nhưng vẫn mang linh hồn của văn hóa Việt. Điều này sẽ mang cho công viên hình ảnh không thể lẫn với mọi công viên đã có, ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Cùng với 4 quảng trường, trong công viên còn có nhiều khu vườn mang tính đặc trưng như vườn truyền thống (cảnh quan làng mạc của vùng đồng bằng Bắc Bộ), vườn Nhật Bản được thiết kế trong khu cây xanh yên tĩnh, cạnh chòi đánh cờ, vườn Anh có các bãi cỏ rộng để nghỉ ngơi thư giãn, chỉ trồng cây to ở xung quanh (cây tùng, thông, phong lá đỏ...) và vườn làng nghề dệt lụa Vạn phúc, làm nón làng Chuông, rèn Đa Sỹ...
Dự án công viên Hà Đông rộng gần 93 ha dự kiến có tổng đầu tư 1.250 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng 650 tỷ đồng, thực hiện từ cuối năm 2024 đến 2027. Công viên được kỳ vọng góp phần thiết lập trục không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa cho các tuyến đường lớn trong khu vực, như vành đai 3,5, đường Phúc La - Văn Phú và các khu đô thị mới Văn Phú, Phú Lương, Kiến Hưng.
Trong phạm vi dự án, chủ đầu tư sẽ xây dựng toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sân đường, cây xanh cảnh quan, cổng, chòi nghỉ, nhà vệ sinh kết hợp quản lý vận hành kỹ thuật chung, quảng trường và các khu sân chơi tự do... Đây là các khu không thu phí.
Các công trình kiến trúc cần có bộ máy vận hành, quản lý, duy tu bảo dưỡng như nhà thể thao đa năng, bể bơi bốn mùa, sân bóng đá, bảo tàng, làng nghề, nhà thiếu nhi, nhà hàng, tàu lượn cảm giác mạnh, khu công viên nước... sẽ được đầu tư bằng dự án riêng, nguồn vốn huy động hoặc xã hội hóa.
Theo thống kê của Hà Nội năm 2020, diện tích quảng trường trên số dân rất thấp, trung bình khoảng 0,02 m2 mỗi người. Thành phố hiện chỉ có một số quảng trường như: Ba Đình, Đông Kinh Nghĩa Thục, 1/5 ở cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô (trên đất nhà đấu xảo) và Cách mạng tháng Tám. Trong đó, ngoài Ba Đình, ba quảng trường còn lại đều hình thành từ thời Pháp.
Hồi đầu năm 2024 khi cải tạo chỉnh trang hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng cũng dự kiến làm 5 quảng trường ở quanh hồ. Trước những ý kiến khác nhau việc xây dựng quảng trường ở khu vực quanh hồ là quá nhỏ (hồ rộng 5 ha), đại diện quận cho rằng không nên quá chú ý khái niệm "quảng trường" (diện tích rộng), thực chất đây là các không gian mở để tạo điểm nhấn, chủ đề.
Võ Hải