Trước khi được đeo vào tay đôi găng trắng, soi xem chén dĩa trên bàn ăn còn thiếu gì không, những người học nghề quản gia ở Trung Quốc phải nắm vững những điều cơ bản trước.
"Điều đầu tiên chúng tôi dạy họ là cách dùng dao nĩa", Christopher Noble, người đứng đầu bộ phận đào tạo của Học viện Quản gia Quốc tế Trung Quốc, cho hay. "Người phương Tây dùng chúng mỗi ngày, nhưng đối với học viên Trung Quốc, dao nĩa hoàn toàn xa lạ".
Là một nhánh của Học viện Quản gia Quốc tế có trụ sở ở Hà Lan, ngôi trường nằm ở phía tây nam Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên hy vọng đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp siêu giàu Trung Quốc và khát khao được giống tầng lớp quý tộc châu Âu.
"Downton Abbey", một bộ phim truyền hình Anh quốc về cuộc sống trong những gia đình giàu có, xung quanh là kẻ hầu người hạ, đang gây sốt ở Trung Quốc. Tin tức về chuyến viếng thăm nước Anh của Chủ tịch Tập Cận Bình tuần này, từ những bộ dao nĩa bạc tuổi đời hàng trăm năm, cho tới 20 đầu bếp chuẩn bị cho tiệc tiếp đón xa hoa do Nữ hoàng Anh tổ chức, được các phương tiện truyền thông cập nhật chi tiết cũng khiến dân tình xôn xao.
Nhà trường là liên doanh giữa học viện ở Hà Lan và công ty bất động sản Langji Thành Đô, cũng như chính những sinh viên đang làm việc ở khách sạn hoặc các công ty bất động sản, đang tìm cách cải thiện dịch vụ của họ, chứ không chỉ nhằm phục vụ các gia đình giàu có.
Noble cho biết, việc đào tạo bắt đầu từ dạy cách cười, dáng đứng, thậm chí cả vệ sinh cá nhân.
"Thẳng lưng lên, ưỡn ngực ra, mắt nhìn thẳng, không được nhìn xuống đất. Chúng tôi dạy cho học viên Trung Quốc rằng, họ phải nhận thức được rằng, mọi người trong căn phòng đang quan sát bạn".
Nhiều học viên chật vật khi mới đến, họ khó khăn lắm mới học được cách bày dao nĩa trên bàn ăn cho một bữa tối theo đúng tiêu chuẩn, ngoài ra, bất đồng ngôn ngữ cũng gây không ít khó khăn.
"Tôi có thể đặt một tách trà xuống trước mặt anh, với dáng vẻ vô cùng thanh lịch nhưng phải kèm theo sự hăng hái nhiệt tình, một phong cách rất khó nói nên lời", Noble nói.
Giáo trình ở đây gần như giống hệt ở Hà Lan, nhưng được chỉnh sửa cho phù hợp với Trung Quốc. Ngoài đồ Tây, học viên còn phải học cách lựa rượu Trung Quốc ngon, phục vụ đồ ăn Trung Quốc và trà.
Tuy nhiên, có một kỹ năng quan trọng không kém, là quản gia phải học cách kiểm soát bản thân sau nhiều giờ phục vụ ông bà chủ căng thẳng, Noble nhấn mạnh.
"Tỷ phú hay triệu phú không có nghĩa là người lịch thiệp. Do đó, quản gia phải biết thu mình, chăm sóc tâm hồn và cơ thể của mình".
Pu Yan, quản lý bộ phận bán hàng và tiếp thị của nhà trường cho biết, cho đến này, đã có 17 học viên tốt nghiệp và 9 người nữa sẽ bắt đầu khóa học tuần này.
Học viên tốt nghiệp có thể kiếm được 31.500 tệ một năm (khoảng 5.000 USD), nhưng nếu biết tiếng Anh và thuần thục nhiều kỹ năng cao cấp, họ có thể dễ dàng kiếm được gấp ba lần số ấy.
Cô cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái không có nghĩa là nhu cầu về dịch vụ quản gia suy giảm.
"Nhiều công ty đang trong giai đoạn chuyển tiếp, họ muốn tập trung cung cấp dịch vụ cho khách hàng tốt hơn so với đối thủ, biến khách hàng thành những người sử dụng dịch vụ trung thành".
Dan-Xia Bossard, giám đốc trung tâm tiếp thị Fletcher Knight, thấy không có lý do gì để giới siêu giàu Trung Quốc không thuê quản gia.
"Đó là một cách tiếp thị hình ảnh và sự giàu có tinh tế - để ai đó phục vụ mọi nhu cầu của bạn", Bossard nói.
Trung Quốc hiện có 596 tỷ phú, nhiều hơn Mỹ với 537 người. Thị trường Trung Quốc đầy khách hàng trẻ tiềm năng, vẫn cần học hỏi để phân biệt được sự khác nhau giữa một quản gia thực thụ và một trợ lý hay người giúp việc.
Wang Mingzhu từng làm nghề lên kế hoạch tổ chức đám cưới. Cô học xong khóa đào tạo quản gia hồi tháng 7, và đang làm việc trong công ty Bangduobao - chuyên tư vấn dịch vụ cho các gia đình giàu có.
Wang không nói kiếm được bao nhiêu tiền, chỉ nói là "rất nhiều". Đối với cô, phần khó nhất của khóa học là học hỏi về vang đỏ.
"Có quá nhiều thứ phải học, ví dụ như các chủng loại nho, các nhà máy ủ rượu, hay phương pháp làm rượu", Wang nói. Cô xem "Downton Abbey" hàng tuần. Wang xác định đây sẽ là sự nghiệp cả đời, có triển vọng hơn nhiều so với nghề lập kế hoạch đám cưới, vì người ta chỉ thích những người trẻ trung lập kế hoạch cho họ.
Wang cho biết, nghề này khiến khách hàng nhìn cô bằng con mắt khác, đầy kính trọng và thiện cảm.
"Ở Trung Quốc, nghề dịch vụ thường mang tính tiêu cực. Mọi người cho rằng phải phục vụ ai đó nghĩa là bạn thấp kém. Tuy nhiên, điều này không tồn tại trong suy nghĩ của người phương Tây. Tất cả mọi người đều bình đẳng, cho dù bạn là người phục vụ hay người được phục vụ đi nữa".
Hồng Hạnh