Thông tin trên được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của Bộ Quốc phòng ở TP HCM và các tỉnh phía Nam, sáng 29/9.
Theo ông Đam, sau hơn 2 tháng, chính quyền, nhân dân và lực lượng chống dịch của thành phố đã rất mạnh mẽ, dù có nhiều thiệt hại, hy sinh nhưng tình hình dịch từng bước được kiểm soát, tạo điều kiện dần mở lại các hoạt động.
"Đó là kết quả từ việc triển khai những giải pháp đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống, nỗ lực của TP HCM, sự hợp tác, chi viện của Trung ương, các địa phương, nhất là lực lượng quân đội", ông Đam nói.
Trong bối cảnh TP HCM dự kiến mở cửa phục hồi kinh tế, nới lỏng giãn cách từ 1/10, Phó thủ tướng nói rằng công việc sắp tới vẫn kiểm soát dịch bệnh, bởi các địa phương chưa bao phủ được vaccine, chưa có thuốc đặc trị Covid-19.
Theo đó, các đơn vị quân đội ở TP HCM và các tỉnh chưa thể rút, nhưng từng bước điều chỉnh phù hợp yêu cầu mới. Cụ thể, nếu những ngày đầu quân đội lo xét nghiệm, lương thực thực phẩm, mang đồ ăn, đồ cứu trợ cho dân thì sắp tới sẽ tái cơ cấu, hướng vào những việc thực sự cần thiết, dần chuyển giao lại một số nhiệm vụ cho lực lượng ở địa phương.
Ông Đam cho hay sắp tới khu vực TP HCM có thể dần nới cho đi lại tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, song vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người từ khu vực TP HCM đi về các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và những địa phương khác. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của các đơn vị quân đội. Cùng với việc tiếp tục tham gia xét nghiệm, điều trị bệnh nhân Covid-19, lãnh đạo Chính phủ mong muốn các bệnh viện quân y cùng chính quyền địa phương xử lý các sự cố sức khỏe cộng đồng trong tương lai.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Quốc phòng Võ Minh Lương, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Chính phủ cho biết, thời gian tới, các khu vực ở TP HCM nới lỏng giãn cách sẽ khiến cho việc quản lý khó khăn hơn. Do vậy, ông đề nghị các đơn vị tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có ý thức phòng, chống dịch.
Cũng theo ông Lương, giai đoạn nới lỏng giãn cách người dân có thể tiếp cận được y tế, nhu cầu thiết yếu nên trước mắt quân đội điều chỉnh lực lượng bộ binh ở những vùng xanh, cận xanh; các vùng đỏ, cận đỏ vẫn giữ nguyên lực lượng. Riêng các tổ quân y căn cứ vào số F0 phụ trách và độ bảo đảm của y tế địa phương để điều chỉnh. Nếu địa phương bảo đảm được mới điều chỉnh, còn chưa bảo đảm được sẽ giữ nguyên lực lượng.
Theo Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, thời gian qua khoảng 132.000 bộ đội và dân quân tự vệ được tăng cường giúp TP HCM phòng chống Covid-19. Trong đó, bộ đội gần 34.000 người, dân quân tự vệ trên 98.000. Lực lượng quân y được điều động hơn 2.000, gồm cả y bác sĩ và học viên.
Quân y đã tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại 6 cơ sở của Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện quân y Miền Đông, Bệnh viện dã chiến 5, 5C, 5D, 5G; tổ chức 530 tổ quân y cơ động với 1.590 người làm nhiệm vụ chăm sóc, tư vấn sức khỏe, cấp cứu, chuyển viện cho F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà.
Lực lượng bộ đội và dân quân tự vệ được tổ chức chặt chẽ, tích cực tham gia canh trực các chốt kiểm soát, giữ gìn trật tự, duy trì quy định phòng dịch; thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an sinh, giúp dân tại các khu phong tỏa, cách ly; vận chuyển hàng hóa để cứu trợ cho người khó khăn, yếu thế....
Đặc biệt, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ của Bộ tư lệnh TP HCM tham gia lo việc hậu sự cho các nạn nhân Covid-19 tử vong.
Trung Sơn