Người biểu tình chống chính phủ Thái Lan cố thủ tại một công sự tạm trên đường phố Bangkok. Ảnh: AP. |
"Sẽ không có cuộc đảo chính nào hết. Chúng ta phải thực thi cơ chế nghị viện. Việc dùng quân đội để giải quyết là không thể chấp nhận được", tướng Anupong Paojinda tuyên bố.
Ông cũng cho biết sẽ cố gắng đàm phán với người biểu tình để các cuộc tuần hành chấm dứt trong hòa bình, đồng thời hứa hẹn không dùng vũ lực với những người đang chiếm dinh thủ tướng. "Các biện pháp của chúng tôi sẽ nhằm làm tăng cường hiểu biết của người dân Thái và để mọi người đều biết rằng vẫn có cách giải quyết trong hòa bình thông qua con đường đối thoại", ông nói.
Theo nhà lãnh đạo quân sự này, các binh sĩ được triển khai tại các điểm biểu tình quanh tòa nhà chính phủ không mang theo súng nhưng có thể sử dụng khiên, gậy, hơi cay và vòi rồng để ngăn các cuộc đụng độ giữa hai phe ủng hộ và chống chính phủ.
Trước đó, Thủ tướng Samak Sundaravej ban bố tình trạng khẩn cấp ở Bangkok sau khi một người biểu tình thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Việc ban bố sắc lệnh này sẽ cho phép sử dụng lực lượng vũ trang phục vụ hoạt động chính trị, hạn chế việc tụ tập nơi công cộng và cho phép nhân viên an ninh dẹp trật tự tại các địa điểm trên.
Các cuộc biểu tình rầm rộ tại Bangkok nổ ra từ tuần trước và chỉ do phe chống chính phủ dưới sự lãnh đạo của Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) thực hiện. Nhưng tới đêm 1/9, phe ủng hộ chính phủ đương nhiệm xuất hiện và xảy ra đụng độ giữa hai phe.
Cuộc họp khẩn cấp của Quốc hội Thái Lan đã không đạt được kết quả gì trong việc tìm ra hướng giải quyết cho căng thẳng gia tăng giữa liên minh ủng hộ ông Samak và các nhóm đối lập. Công nhân một số ngành còn dọa sẽ cắt điện, nước và dịch vụ viễn thông tại các cơ quan của chính phủ, đồng thời hủy các chuyến bay trong nước nhằm gây áp lực khiến thủ tướng phải từ chức.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan hiện nay mở màn từ hôm 26/8, khi có khoảng 35.000 người bao vây các tòa nhà chính phủ và xông vào một đài truyền hình quốc gia ở Bangkok khiến chương trình phát sóng bị gián đoạn vài giờ liền. Làn sóng biểu tình còn lan xuống phía nam, khiến 3 sân bay trong khu vực là Phuket, Krabi và Hat Yai bị tê liệt trong những ngày cuối tuần.
Ngọc Sơn (theo AFP, AP)