"Một cựu tổng tư lệnh quân đội, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và tổng thống Pakistan, người đã phụng sự đất nước hơn 40 năm, chiến đấu để bảo vệ đất nước, chắc chắn không bao giờ có thể là kẻ phản bội", phát ngôn viên quân đội Pakistan cho biết trong một tuyên bố hôm 17/12, đề cập cựu tổng thống Pervez Musharraf.
Người phát ngôn cho biết quân đội Pakistan "đau đớn" sau khi tòa án đặc biệt ở thủ đô Islamabad tuyên án tử hình vắng mặt cựu tổng thống Musharraf, 76 tuổi, vì tội phản quốc. Tại Pakistan, quân đội nắm quyền lực to lớn và đã điều hành gần một nửa thời gian từ khi đất nước được thành lập cách đây 72 năm.
Xuất hiện trong video được trợ lý công bố hôm 18/12, cựu tổng thống đang sống lưu vong gọi bản án đối với ông là kết quả "sự trả thù cá nhân" của những người chống lại ông. Musharraf, được cho là đang sống lưu vong ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nằm trên giường bệnh dáng vẻ mệt mỏi và giọng nói yếu ớt.
Ông cũng ca ngợi những người dân Pakistan biểu tình phản đối phán quyết và lực lượng vũ trang Pakistan vì đã lên tiếng ủng hộ ông. Cựu tổng thống Pakistan cho biết ông vẫn chưa quyết định bước hành động tiếp theo hoặc liệu đội ngũ pháp lý của ông có kháng án. Pakistan và UAE không có hiệp ước dẫn độ nên chính quyền không thể bắt Musharraf.
Thủ tướng Imran Khan, đối thủ cũ của Musharraf, vẫn giữ im lặng từ khi tòa tuyên án. Khan được xem là người thân quân đội và một số bộ trưởng trong chính quyền của ông từng phục vụ trong chính quyền quân sự của Musharraf.
Musharraf lên nắm quyền sau khi lật đổ thủ tướng Nawaz Sharif trong một cuộc đảo chính không đổ máu năm 1999. Ông nghiện xì gà, thích uống rượu whisky và là đồng minh quan trọng của Mỹ trong "cuộc chiến chống khủng bố" sau vụ tấn công ngày 11/9. Musharraf thoát khỏi ít nhất ba vụ ám sát do al-Qaeda thực hiện trong 9 năm cầm quyền.
Sự lãnh đạo của ông không gặp thách thức nào nghiêm trọng cho đến khi ông cố sa thải chánh án Tòa án Tối cao tháng 3/2007, dẫn đến các cuộc biểu tình trên toàn quốc và nhiều tháng hỗn loạn khiến chính phủ áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Sau khi thủ tướng Benazir Bhutto bị ám sát tháng 12/2007, Musharraf bị cáo buộc không đảm bảo an ninh cho bà và ngày càng bị cô lập bởi những tổn thất nặng nề mà các đồng minh phải gánh chịu trong cuộc bầu cử tháng 2/2008.
Musharraf từ chức tháng 8/2008 trước nguy cơ bị liên minh cầm quyền mới luận tội và phải sống lưu vong. Ông trở lại Pakistan năm 2013 trong một nỗ lực tranh cử, nhưng bị cấm tham gia các cuộc bỏ phiếu. Ông bị bắt cùng năm và sau đó dự một số phiên tòa về tội phản quốc và nghi án ám sát bà Bhutto.
Ông sống lưu vong ở Dubai từ tháng 3/2016 sau khi rời Pakistan để điều trị y tế và không trở về với lý do sức khỏe và an ninh. Cựu tổng thống Pakistan bị đưa vào danh sách truy nã sau nhiều lần không xuất hiện tại tòa.
Cáo buộc cựu tổng thống Pakistan tội phản quốc được đưa ra xét xử từ năm 2013, tập trung vào việc Musharraf áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia và đình chỉ hiến pháp năm 2007. Việc xét xử kéo dài nhiều năm cho đến khi tòa án đặc biệt ra phán quyết đầu tuần này.
Huyền Lê (Theo AFP)