Phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun tối 11/4 xác nhận các binh sĩ phải rút khỏi căn cứ ở thị trấn Myawaddy nhằm đảm bảo an toàn cho gia đình họ, sau khi giao tranh với nhóm nổi dậy Liên minh Quốc gia Karen (KNU).
Các tay súng KNU bắt đầu tấn công căn cứ quân đội Myanmar tại Myawaddy từ hôm 9/4 và giao tranh kéo dài liên tục trong ba ngày. Đến 11/4, phát ngôn viên KNU Padoh Saw Taw Nee cho hay khoảng 200 binh sĩ Myanmar đã rút khỏi căn cứ và đang ẩn náu trên cây cầu hữu nghị nối Myawaddy với thị trấn Mae Sot của Thái Lan.
Theo phát ngôn viên KNU, có khả năng các binh sĩ vẫn mang theo vũ khí. Một quan chức biên phòng Thái Lan xác nhận thị trấn Myawaddy đã thất thủ. Hãng tin Khit Thit của Myanmar trước đó đưa tin chính quyền Thái Lan đang trao đổi với các binh sĩ để quyết định liệu có cho họ tị nạn hay không.
Ông Zaw Min Tun xác nhận lực lượng KNU đã tiến vào thị trấn Myawaddy, nhưng không cung cấp thông tin cụ thể. Ông cho hay giới chức Myanmar và Thái Lan đang thảo luận về nhóm binh sĩ này.
Giao tranh trong ba ngày ở Myawaddy đã khiến hàng nghìn dân thường Myanmar chạy sang lãnh thổ Thái Lan xin tị nạn. Thái Lan cũng phải điều động phương tiện quân sự để tăng cường tuần tra ở thị trấn Mae Sot.
Thị trấn biên giới Myawaddy có vai trò rất quan trọng với chính quyền quân sự Myanmar. Ước tính giá trị giao thương qua Myawaddy trong 12 tháng qua là 1,1 tỷ USD, theo Bộ Thương mại Myanmar.
Kyaw Zaw, phát ngôn viên Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), nhóm gồm những nghị sĩ Myanmar đã rời ghế sau cuộc đảo chính của quân đội năm 2021 và các nhóm phản đối chính quyền quân sự, cũng tuyên bố "lực lượng kháng chiến chung do KNU lãnh đạo đã chiếm được căn cứ quân sự còn lại ở Myawaddy".
"Đây là chiến thắng quan trọng cho cuộc cách mạng của chúng tôi vì hoạt động thương mại biên giới ở Myawaddy là một trong những nguồn thu nhập chính với chính quyền quân sự", Kyaw Zaw nói.
Chính quyền quân sự Myanmar đang phải ngăn chặn các cuộc tấn công của quân nổi dậy trên khắp đất nước, đồng thời ổn định nền kinh tế đã bị suy yếu từ sau đảo chính. Tổng thống do chính quyền quân sự Myanmar bổ nhiệm Myint Swe cuối năm ngoái cảnh báo nước này có nguy cơ bị chia rẽ nếu không xử lý được cuộc nổi dậy của các nhóm phiến quân.
Hồi tháng 1, 276 binh sĩ Myanmar đã chạy sang Ấn Độ sau cuộc đụng độ với một nhóm vũ trang sắc tộc ở phía tây đất nước. Máy bay quân sự được điều đến Ấn Độ để đưa họ trở về đã trượt khỏi đường băng và va chạm, khiến 12 người bị thương.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)