Anh hôm nay xác nhận họ không còn có thể công nhận đại sứ Myanmar tại London sau khi chính quyền quân sự ra thông báo chính thức rằng ông đã bị sa thải vì ủng hộ chính quyền dân sự bị lật đổ.
Các nguồn tin cho biết theo chính sách ngoại giao của Anh, chính phủ phải tuân theo quyết định của quân đội liên quan đến đại sứ Kyaw Zwar Minn.
Thông báo được đưa ra chỉ một ngày sau khi Kyaw Zwar Minn cáo buộc tùy viên quốc phòng chiếm đại sứ quán ở khu phố Mayfair, thủ đô London.
"Khi tôi rời sứ quán, họ xông vào bên trong, chiếm cứ tòa nhà", Kyaw Zwar Minn nói. "Họ tuyên bố nhận chỉ thị từ thủ đô nên không cho tôi vào", ông nói thêm, gọi hành động của tùy viên quốc phòng là "một loại đảo chính" và kêu gọi chính phủ Anh can thiệp.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab chỉ trích hành động của chính quyền quân sự Myanmar và bày tỏ ủng hộ đại sứ Kyaw Zwar Minn.
"Chúng tôi lên án các hành động bắt nạt của chính quyền quân sự Myanmar ở London hôm qua, và tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với Kyaw Zwar Minn vì lòng dũng cảm của ông ấy", Ngoại trưởng Raab cho hay. "Anh tiếp tục kêu gọi chấm dứt cuộc đảo chính và bạo lực kinh hoàng, đồng thời khôi phục nhanh chóng nền dân chủ" tại Myanmar.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 598 thường dân đã thiệt mạng và gần 2.900 người bị bắt trong các cuộc biểu tình kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2. Quân đội cũng đã phát lệnh truy nã đối với 120 người nổi tiếng bị cáo buộc ủng hộ người biểu tình.
Một nhóm đại diện chính quyền dân sự bị lật đổ hôm 7/4 bắt đầu đàm phán với các điều tra viên Liên Hợp Quốc. Họ cho biết đã thu thập được hơn 270.000 bằng chứng cho thấy quân đội vi phạm nhân quyền.
Ủy ban Đại diện Pyidaungsu Hluttaw (CRPH), nhóm nghị sĩ thuộc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, khẳng định có bằng chứng hơn 540 vụ xử tử ngoài pháp luật và 10 tù nhân chết khi bị giam, cùng các bằng chứng về tra tấn, bắt giam bất hợp pháp.
Huyền Lê (Theo AFP)