"Nếu các tổ chức vũ trang tiếp tục hành động ngu ngốc, người dân ở các khu vực liên quan sẽ phải chịu tác động tiêu cực. Vì vậy, các nhóm này cần tính đến cuộc sống của người dân và giải quyết vấn đề bằng biện pháp chính trị", thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, ngày 5/12 tuyên bố.
Lời kêu gọi được ông Min Aung Hlaing đưa ra trong bối cảnh Liên minh Huynh đệ, gồm các nhóm phiến quân lớn nhất ở miền bắc Myanmar, đang tiến hành chiến dịch tấn công quy mô lớn, chiếm hàng loạt căn cứ chiến lược của quân đội chính phủ.

Lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing tại Naypyitaw hồi tháng 3/2021. Ảnh: Reuters
Đây được coi là thách thức lớn nhất đối với chính quyền quân sự Myanmar từ khi các tướng quân đội nước này lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), nhóm gồm các nghị sĩ Myanmar đã rời ghế sau cuộc đảo chính của quân đội, bác bỏ lời kêu gọi đối thoại của thống tướng Min Aung Hlaing.
"Khi họ đang thua nặng nề trên thực địa, họ cố gắng tìm lối thoát. Sẽ có đối thoại thực sự nếu quân đội đảm bảo họ không còn vai trò gì trong chính trị. Họ phải thuộc kiểm soát của một chính phủ dân bầu", phát ngôn viên NUG Kyaw Zaw nói.
Liên Hợp Quốc cho biết hơn 250 dân thường, trong đó có trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa quân đội Myanmar và các nhóm phiến quân hơn một tháng qua. Hơn 500.000 người cũng phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột.
Trung Quốc, nước láng giềng với Myanmar, đã yêu cầu các bên liên quan xung đột lập tức ngừng bắn và thực hiện các biện pháp ngăn chặn mọi tình huống gây nguy hiểm tới tính mạng và tài sản của người dân Trung Quốc tại khu vực biên giới.
Ngọc Ánh (Theo AFP/Reuters)