Nguồn tin chính phủ Thái Lan cho biết "ngoại trưởng" Wunna Maung Lwin đến đàm phán về các nỗ lực ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi những người phản đối đảo chính tiếp tục biểu tình ở Myanmar. Ông Wunna Maung Lwin, một đại tá về hưu, từng là ngoại trưởng Myanmar từ năm 2011 đến 2016.
Indonesia đi đầu trong nỗ lực định hướng con đường giải quyết khủng hoảng Myanmar với sự giúp đỡ của các thành viên ASEAN, nhưng kế hoạch của họ dường như đã bị chững với việc Ngoại trưởng Retno Marsudi, người đang ở Thái Lan, hủy chuyến đi Myanmar.
Indonesia trước đó đề xuất kế hoạch các thành viên ASEAN gửi giám sát viên tới Myanmar để đảm bảo quân đội tuân thủ lời hứa tổ chức bầu cử công bằng, các nguồn tin cho biết.
"Sau khi tính đến các diễn biến hiện tại và tín hiệu từ các nước ASEAN khác, đây không phải thời điểm lý tưởng để tiến hành chuyến thăm", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia nói trong cuộc họp báo tại Jakarta.
Hôm qua, hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài đại sứ quán Indonesia ở Yangon để phản đối cuộc bầu cử mới, yêu cầu các lá phiếu họ bỏ tháng 11 phải được công nhận. Liên minh Quốc gia Tương lai, nhóm hoạt động có trụ sở tại Myanmar, cho rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Retno sẽ đồng nghĩa Indonesia "công nhận chính quyền quân sự".
Nhóm yêu cầu quan chức nước ngoài chỉ gặp Htin Lin Aung, thành viên ủy ban đại diện cho các thành viên bị lật đổ của quốc hội, được biết đến với tên viết tắt là CRPH, bởi đây là "quan chức chịu trách nhiệm duy nhất về quan hệ đối ngoại".
Myanmar tuần này tiếp tục chứng kiến các cuộc biểu tình lớn và một cuộc tổng đình công phản đối đảo chính, yêu cầu trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, bất chấp cảnh báo từ chính quyền rằng cuộc đối đầu có thể khiến người dân thiệt mạng.
"Nền kinh tế không ổn, đang trong tình trạng suy thoái. Mọi chuyện sẽ chỉ trở lại bình thường khi quân đội trao lại quyền lực cho bên chiến thắng mà chúng tôi đã bỏ phiếu chân thành", Win Thein, 56 tuổi, chủ cửa hàng điện tử ở Yangon, cho biết.
Quân đội chưa đưa ra khung thời gian cho cuộc bầu cử mới, nhưng họ đã áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, vì vậy rất có thể bầu cử diễn ra sau đó. Tuy nhiên, đảng của bà Suu Kyi, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái và bị quân đội cáo buộc gian lận, và những người ủng hộ đảng này muốn chiến thắng được công nhận.
Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, người hiện đứng đầu chính quyền quân sự, đã kêu gọi cắt giảm chi tiêu nhà nước và nhập khẩu, đồng thời gia tăng xuất khẩu để vực dậy nền kinh tế ốm yếu. Ông không liên kết biểu tình với các vấn đề kinh tế, nhưng nói rằng chính quyền đang đi theo con đường dân chủ và cảnh sát đã sử dụng vũ lực tối thiểu.
Huyền Lê (Theo Reuters)