"Trực thăng sẽ không bay trong bão. Sau bão, những khu vực nào bị cô lập, cần ứng cứu mà đường thủy hoặc đường bộ không tiếp cận được người dân thì trực thăng sẽ lên đường để cứu hộ, cứu nạn", đại tá Hoàng Văn Chiến, Phó Chính ủy Sư đoàn không quân 372 (đóng tại Đà Nẵng), nói.
Ông cho biết, trực thăng sẽ làm các nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho những khu vực cô lập, cấp cứu người bị thương ngay sau khi bão tan với quyết tâm có mặt sớm nhất ở những khu vực cần ứng cứu. "Đơn vị đang trực 100% quân số, sẵn sàng chờ lệnh điều động của Bộ Quốc phòng", đại tá Chiến nói.
Tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão Molave (đặt tại Đà Nẵng) trưa 27/10, thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết lực lượng quân đội đã huy động 73.000 người và phương tiện để ứng phó bão Molave.
Trong đó, Quân khu 5 (đóng tại Đà Nẵng) có hơn 66.000 người, với hơn 1.700 phương tiện, trong đó 79 tàu lớn và xuồng các loại. Nếu cần, Bộ Quốc phòng sẽ huy động thêm Quân khu 3, Quân khu 4 và Quân khu 7 tham gia.
Riêng Quân chủng Hải quân có hơn 1.200 chiến sĩ, cùng 121 phương tiện, trong đó 27 tàu lớn. Bộ đội Biên phòng có hơn 3.600 người, 18 phương tiện. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển có gần 400 người và 16 phương tiện ứng trực. Quân chủng Phòng không - Không quân cũng huy động 1.450 lượt người và 25 phương tiện.
Kết luận tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định Molave là cơn bão lớn nhất ở miền Trung trong vòng 20 năm qua, phạm vi ảnh hưởng rộng, khi vào bờ nước biển dâng, gây ngập.
Trước dự báo sáng mai bão sẽ đổ bộ vào đất liền, Phó thủ tướng yêu cầu các lực lượng từ quân đội, công an, chính quyền địa phương trong chiều nay phải đảm bảo người, phương tiện trên biển về nơi tránh trú an toàn. Các địa phương dù chủ động thế nào cũng không thể chủ quan vì thiên tai rất nhiều bất ngờ.
"Khi tàu thuyền về bờ phải giằng, néo kỹ lưỡng không để tàu va vào nhau và bị chìm như đã từng xảy ra ở Quy Nhơn. Ngoài ra, phải sơ tán hết người dân ở các sơ sở dịch vụ ven biển, đảo, không để người dân sống trên lồng bè như ở Khánh Hoà trong bão Damrey năm 2017, làm nhiều người chết", Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng, trên đất liền lúc này, việc sơ tán dân là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, người dân ở khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nhà ở không an toàn phải được đưa ngay đến nơi an toàn. Các địa phương cũng cần cấm người dân ra đường khi bão vào, chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão, sạt lở đất ở miền núi.
"Mục tiêu là phải bảo vệ an toàn tính mạng tài sản của người dân và của nhà nước", Phó thủ tướng nói.
Molave được dự báo là "cơn cuồng phong" khi đổ bộ vào Đà Nẵng - Phú Yên vào ngày 28/10. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/h), giật cấp 17.