Trung tướng Phùng Sỹ Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết như trên, tại hội nghị sáng 27/4. Ngoài khoản kinh phí trên, nhiều địa phương còn hỗ trợ các đơn vị trong toàn quân với giá trị khoảng 122 tỷ đồng.
Trong hơn 100 ngày qua, gần 60.000 người được cách ly và phục vụ ăn ở tại 150 cơ sở tập trung. "Công tác hậu cần gặp nhiều khó khăn, nhất là khai thác lương thực, thực phẩm của các đơn vị trong vùng có dịch. Quân đội đã phải huy động một phần dự trữ vật chất để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, việc nuôi dưỡng bộ đội cũng đã phải điều chỉnh cho phù hợp", ông Tấn cho hay.
Lực lượng vận tải quân sự tổ chức trên 5.500 chuyến xe, vận chuyển hơn 76.700 lượt người và gần 1.400 tấn hành lý của công dân về các điểm cách ly. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng phải tập trung lực lượng, trang bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất cho quân y, dàn trải từ tuyến đầu (cửa khẩu biên giới, đường mòn, lối mở...) cho đến các điểm cách ly tập trung.
"Thời gian qua, năng lực điều hành của chỉ huy các cấp đã được nâng lên khi phải thực hiện nhiệm vụ quan trọng đột xuất, tạo động lực sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao", ông Tấn nói.
Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Quốc phòng yêu cầu các đơn vị lập dự toán ngân sách phòng, chống dịch "sát, đúng với nhiệm vụ"; tuyệt đối tuân thủ quy định về mua sắm. "Vừa qua xuất hiện tình trạng cán bộ lợi dụng mua sắm thiết bị phòng chống dịch để trục lợi và đã bị xử lý, chỉ huy các cấp phải quán xuyến việc này cho tốt", Thượng tướng Trần Đơn nêu rõ.