Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc quân đội Bangladesh họp vào chiều 4/8, khi các cuộc biểu tình bạo lực xảy ra trên cả nước. Tại cuộc họp, quân đội thông báo với Thủ tướng Hasina rằng họ sẽ không ngăn cản sinh viên trong cuộc diễu hành vào hôm sau.
Tình hình vẫn ổn định cho đến 9h ngày 5/8. Tuy nhiên, hàng nghìn sinh viên sau đó tràn từ thành phố lân cận Gazipur vào thủ đô Dhaka, khiến tình hình leo thang. Quân đội cho bà Sheikh Hasina 45 phút để rời khỏi đất nước, India Today dẫn các nguồn tin cho hay.
Thủ tướng Hasina muốn truyền tải thông điệp tới người dân cả nước trước khi từ chức và rời khỏi đất nước, nhưng quân đội không cho phép bà làm như vậy. Theo nguồn tin, quân đội chia làm hai phe, một bên ủng bộ bà Hasina và bên còn lại, gồm các sĩ quan trẻ và khoảng 60 sĩ quan đã về hưu, phản đối bà.
Trực thăng chở bà Hasina rời phủ thủ tướng ở thủ đô Dhaka hôm 5/8, sau đó hạ cánh tại căn cứ không quân Hindon gần Delhi, Ấn Độ. Bà hiện ở căn cứ Hindon và sẽ tiếp tục lưu trú tại đây trong thời gian tới.
Sau khi bà Hasina rời đi, người biểu tình xông vào phủ Thủ tướng cũng như tòa nhà quốc hội, đập phá và mang đi nhiều vật dụng. Trong bài phát biểu trên truyền hình sau đó, Tư lệnh quân đội Waker-Uz-Zaman thông báo Thủ tướng đã từ chức và kêu gọi người dân giữ vững niềm tin vào quân đội.
Ông cho biết đang thảo luận với các đảng đối lập để thành lập chính phủ lâm thời. "Tôi sẽ đảm nhận trách nhiệm toàn bộ", tướng Waker nói, nhưng không rõ ông có phải là người đứng đầu chính phủ lâm thời hay không. "Đất nước đã phải chịu đựng quá nhiều, nền kinh tế bị tàn phá, nhiều người thiệt mạng. Đã đến lúc chấm dứt bạo lực".
Quân đội Bangladesh từng ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 1/2007 khi bất ổn chính trị lan rộng, và sau đó lập chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn trong hai năm.
Sau khi Thủ tướng từ chức, Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin đã ra lệnh thả những người bị giam vì tham gia biểu tình, cũng như cựu thủ tướng kiêm lãnh đạo phe đối lập chính Khaleda Zia, 78 tuổi. Zia đã bị bỏ tù vì tội tham nhũng vào năm 2018.
Tổng thống và tổng tư lệnh quân đội cũng đã họp với các lãnh đạo đối lập vào tối 5/8 và "quyết định thành lập chính phủ lâm thời ngay lập tức".
Bà Hasina, 76 tuổi, đã lãnh đạo Bangladesh từ năm 2009 và giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp trong cuộc bầu cử hồi tháng 1. Bà từ chức trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực diễn ra trên cả nước một tháng qua, bắt nguồn từ việc phản đối hạn ngạch viên chức, trong đó ưu tiên tuyển dụng con cháu cựu chiến binh. Sinh viên và thanh niên Bangladesh xuống đường biểu tình vì cho rằng quy định này bất công với họ.
Tòa án Tối cao Bangladesh ngày 21/7 ra phán quyết điều chỉnh hệ thống tuyển dụng viên chức dựa trên lý lịch, với hạn ngạch dành cho con cháu cựu chiến binh giảm từ 30% xuống còn 5%. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn để kêu gọi Thủ tướng từ chức, bất chấp lệnh giới nghiêm và những cuộc đụng độ với lực lượng an ninh. Hơn 300 người đã chết do đụng độ bạo lực trong các cuộc biểu tình.
Huyền Lê (Theo India Today, AFP)