Đó là hơn chục năm trước, khi ông còn là tổng biên tập báo Pháp Luật TP HCM. Những quán cơm ấy ấn định một giá bán tượng trưng. Chúng được duy trì dựa hoàn toàn vào sự đóng góp của xã hội. Ông muốn làm quán cơm như vậy. Hôm đó, tôi nhớ là giữa những hứng khởi, cũng có người e dè. Có người nói nhỡ quán cơm sẽ bị ai đó lợi dụng, ăn miết, ỷ lại. Cũng có người nói vận động để hỗ trợ theo từng đợt thì dễ, chớ miệng ăn núi lở, ai mà cho tiền tháng này qua năm khác được. Mà ai sức đâu phục vụ quán mỗi ngày, rồi vệ sinh an toàn, chất lượng bữa ăn ra sao…
Ông Nam Đồng nói thực ra trách nhiệm xã hội và tấm lòng của người Sài Gòn như cái mạch ngầm, mình làm sao khơi thông nó bằng tấm lòng, bằng sự tin tưởng, bằng ý nghĩa xã hội thì cái mạch đó nó chảy hoài, chảy miết. Ông nói một cái quán như thế, đừng sợ ai lợi dụng. Nếu họ nghèo, họ cực thì họ cứ tới ăn mỗi ngày. Rồi trong số người nghèo cực đó, khi đã ổn định, chục người trăm người sẽ có người quay lại hỗ trợ. Cũng chỉ khó nhất là lúc đầu cần sự hỗ trợ để duy trì, khi hoạt động ổn định thì hôm nay người này giúp người nghèo, mai lại có người khác tiếp nối.
Người nghèo có nhu cầu một bữa ăn đủ dinh dưỡng khi túng thiếu khó khăn, thì cũng có những người khác có nhu cầu những địa chỉ hiệu quả và minh bạch để họ được tham gia đóng góp cho cộng đồng.
Rồi ông Nam Đồng cũng mở quán. Quán ấy bây giờ đã thành chuỗi, bán cơm với giá 2.000 đồng.
Ông chủ quán cơm ấy nhiều lần nói, quán cơm xã hội không phải là sự bố thí từ thiện. Ở đó, người khá giả bỏ một phần vật chất giúp đỡ chung xã hội; ở đó những người chủ trương đứng ra làm cầu nối, quản trị một cách hiệu quả minh bạch và trách nhiệm từng đồng xu ủng hộ. Mang lại cho người ta bữa cơm mà để người ta mặc cảm nghèo khổ hay mang ơn mình thì sao được. Ở đó là xã hội lo cho nhau, nhóm chủ trương chỉ là người khơi dẫn mạch nguồn.
Thi thoảng, tôi và bạn bè cũng ghé quán cơm Nụ Cười. Điều dễ thấy là sự trật tự, sạch sẽ, ngon miệng. Có đôi lần tôi thấy những khách sang, có người đi xe đẹp, mặc đồ đẹp cũng ghé ăn cùng những cậu sinh viên nghèo hay người bán vé số lam lũ. Ai cũng sắp hàng như ai, mua cái phiếu ăn hai nghìn, nộp phiếu và được phục vụ. Mà, cả chuỗi 6 quán Nụ Cười đều thế. Từ chỗ một vài trăm suất, mỗi tuần bán đôi bữa, giờ mở cửa cả tuần, mỗi ngày quán bán 300-500 suất.
Có lần tôi hỏi ông Nam Đồng: “Anh có sợ lúc nào đó hụt hơi, không duy trì nổi không?”. Ông Nam Đồng cười: “Nè, giờ nếu không ai ủng hộ, quán vẫn có thể duy trì liên tục mỗi ngày trong 6 tháng liền, từ nguồn ủng hộ đang tồn quỹ”.
Ông kể có ông nọ giày đen xe láng vô ăn một bữa, hai bữa, ba bữa mà không nói tiếng nào, khách khứa cũng chẳng vì vậy mà ngạc nhiên. Rồi bữa nọ ăn xong cho xe chở tới mấy tấn gạo. Khi người ta tin rồi, mạch ngầm sẽ chảy miết. Cũng có người sau một bữa ăn, quay lại ủng hộ chục triệu đồng. Mà đừng nghĩ người nghèo thì cứ vậy hưởng thụ, cũng có chị ve chai, anh vé số sau khó khăn, cũng quay lại đóng góp những đồng tiền ít ỏi nhưng đẫm mồ hôi… Có em sinh viên có ngày ăn cơm ở quán, hôm sau quay lại làm tình nguyện viên phục vụ; có nhà, mùa hè gửi con đến phụ quán như một trải nghiệm, cả những du khách nước ngoài cũng xin vào làm tình nguyện viên. Bữa tôi đến ăn cơm quán Nụ Cười, vào tham quan bếp, tôi ngạc nhiên khi thấy ca sĩ Ánh Tuyết đang ngồi rửa chén.
Thực khách của Nụ Cười, tôi không thấy ai mang gương mặt mặc cảm. Họ đường hoàng vào ăn, lịch sự và trật tự rồi nhường chỗ cho người sau. Như trưa qua, hai thực khách đặc biệt là nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân đến quán Nụ Cười ăn và đóng góp ủng hộ. Thăm hỏi chủ quán xong, ông Tư Sang chào: “Thôi tui về nghen ông Nam Đồng, đặng còn để chỗ cho mấy cháu sắp hàng ngoài kia vô ngồi ăn chiều còn đi học”.
Mạch ngầm nhân ái mà ông Nam Đồng nói, là những con người ở mọi giai tầng, là nghĩa khí Sài Gòn, là sự nhân ái và tin cậy.
Đức Hiển