Kết quả xét nghiệm 10 mẫu rượu chiều 7/3 cho thấy 2 mẫu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng rất cao.
Cụ thể, mẫu rượu trắng pha cẩm lấy tại quán cơm Vĩnh Thành ở phường Mộ Lao có hàm lượng methanol lên tới 202.475 mg/l, vượt ngưỡng cho phép hơn 2.000 lần. Mẫu rượu ngâm của một gia đình tại tổ 24, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, cũng có lượng methanol lên đến 89.680 mg/l, vượt ngưỡng gần 900 lần. Theo tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng, hàm lượng methanol trong rượu cho phép dưới 100 mg/l cồn 100 độ.
Chiều 7/3, Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội họp khẩn về việc sản xuất, kinh doanh rượu sau khi 11 người bị ngộ độc rượu cồn methanol trong đó một người tử vong. Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, có 3 người bị ngộ độc sau khi uống rượu ở các quán ăn (bún ngan, quán phở…) trên địa bàn quận Đống Đa.
Trong hơn một tuần qua, Sở Y tế, Sở Công Thương, các quận/huyện/thị xã của Hà Nội đã kiểm tra 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. 25 mẫu rượu được lấy để xét nghiệm, gần 2.000 lít rượu không rõ nguồn gốc bị niêm phong, xử phạt 18 cơ sở.
Đại diện các đơn vị cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc kiểm soát chất lượng rượu là tình trạng nấu rượu thủ công (rượu tự nấu) rất phổ biến, đã tồn tại từ lâu và đa phần không có nhãn mác. Việc truy xuất nguồn gốc rượu từ các cơ sở kinh doanh, bán rượu nhỏ lẻ rất khó khăn. Có trường hợp truy được đến nơi thì cơ sở không còn rượu.
Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm tra, truy xuất nguồn gốc các loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là nơi có bệnh nhân ngộ độc methanol. Thành phố cảnh báo người dân, bắt buộc các cơ sở nấu rượu phải cam kết đảm bảo an toàn, cấm pha cồn công nghiệp vào rượu.
Mới đây, tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, xảy ra vụ ngộ độc tập thể khiến 7 người tử vong sau khi ăn cỗ đám ma. Nguyên nhân được xác định ban đầu do ngộ độc rượu chứa cồn methanol. Kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu lấy tại đám ma cho thấy hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép hàng nghìn lần.
Methanol là cồn công nghiệp, các nhà hàng thường dùng khi làm đồ nướng hay lẩu, tuy nhiên một số người lại sử dụng để pha thành rượu gây ngộ độc khi uống. Trường hợp ngộ độc methanol nhẹ thì mù mắt, nặng có thể tử vong. Theo các bác sĩ, sau 1-2 ngày uống rượu methanol, bệnh nhân có dấu hiệu mù mắt, sau đó trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong.
Phương Trang