Theo SCMP, một quan chức ở tỉnh Chiết Giang vừa tử vong sau khi "rơi" từ một tòa nhà, chính quyền địa phương cho biết. Đây là vụ việc mới nhất trong số hàng loạt nghi án tự tử của các quan chức Trung Quốc gần đây.
Trong lá thư tuyệt mệnh được tìm thấy trên người ông Zhao Jilai, thanh tra Ủy ban Công nghệ Thông tin và Kinh tế Hàng Châu, ông viết rằng mình quyết định "lìa xa thế gian" sau nhiều năm bị ung thư tuyến giáp và mất ngủ. Ông cầu xin đảng tha thứ và nói rằng "chưa bao giờ làm một điều gì" vi phạm quy định của đảng.
Xinhua đưa tin cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc đã bắt đầu cuộc thanh tra ở tỉnh Chiết Giang hôm 29/7.
Chỉ riêng trong tháng trước đã có 6 quan chức tự kết liễu đời mình. Hai người trong số này, ở tỉnh Hà Nam và Hồ Bắc, cũng để lại thư tuyệt mệnh nói rằng họ bị trầm cảm, một người được cho là đã nhận hối lộ.
Các chuyên gia nhận định chiến dịch trấn áp tham nhũng "đả hồ diệt ruồi" của Chủ tịch Tập Cận Bình đang tạo ra một áp lực mạnh mẽ đối với các quan tham. "Giới chức Trung Quốc đang trải qua một giai đoạn khó khăn và hệ thống chính trị đã khiến họ tự tử", Zhang Lifan, một nhà phân tích về chính trị và lịch sử ở Bắc Kinh, nói.
Theo ông, một lý do khiến các quan chức phải tìm đến cái chết là vì họ không được các quan to khác "chống lưng" khi bị điều tra. Cả 6 người qua đời tháng trước đều là quan chức nhỏ và bậc trung.
Ren Jianming, chuyên gia về chống tham nhũng ở Bắc Kinh, cũng cho rằng các quan chức sợ bị xử phạt nếu những hành động bất chính của họ lộ ra.
"Chúng ta có thể nhận thấy những vụ tự tử của các quan chức tăng lên chỉ trong một thời gian ngắn", ông Ren nói. Ông còn chỉ ra rằng tự tử có thể là một chiến thuật mà những người này sử dụng để bảo vệ gia đình và phe phái chính trị của họ tránh bị điều tra.
"Trong văn hóa Trung Quốc, người đã khuất cần được tôn trọng. Vì thế sau khi họ chết, các cuộc điều tra cũng sẽ dừng lại", ông giải thích.
Giáo sư Paul Yip Siu-fai, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ngăn ngừa Nạn tự tử, đại học Hong Kong, gọi đây là cách "tự tử để khơi dậy lòng vị tha". "Tự sát là cách mà các quan tham bảo vệ gia tài của họ", ông nói.
Cả ông Paul và ông Zhang nhất trí rằng việc tự sát gây hiệu ứng dây chuyền. Khi các quan chức đang bị trầm cảm hay tin về những vụ tự tử của đồng nghiệp trên báo chí, họ cũng sẽ nghĩ đến chuyện chọn giải pháp tương tự.
Trung tâm của ông Paul từng công bố một báo cáo về tỷ lệ tự vẫn ở Trung Quốc và nhận thấy số vụ liên quan đến giới chức bắt đầu tăng lên từ năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Ren cho rằng, với tình trạng trên, chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh chỉ đang đối phó với những "triệu chứng" của vấn nạn này, chứ chưa xử lý được gốc rễ của nó. "Nguồn đất đai nuôi dưỡng tham nhũng vẫn chưa bị loại bỏ. Trung Quốc cần một hệ thống chính trị cởi mở và minh bạch", ông nói.
Anh Ngọc