"Khoảng 60-68% cư dân Đông Berlin và Đông Đức có họ hàng ở Tây Berlin và Tây Đức. Còn ở Ukraine, 73-85% cư dân ở các vùng có họ hàng ở Nga. Bởi vậy, biên giới này không nên tồn tại", Vladimir Rogov, quan chức chính quyền được Nga hậu thuẫn ở tỉnh Zaporizhzhia, đông nam Ukraine, hôm nay cho hay.
Rogov cho rằng biên giới Ukraine - Nga còn "tồi tệ hơn Bức tường Berlin" và người Đức không tổ chức trưng cầu dân ý về bức tường mà "đã tự tay phá bỏ nó để sống chung dưới một nhà nước".
"Việc chúng tôi thống nhất với Nga là điều không thể tránh khỏi, bởi thế không nên có biên giới nào giữa chúng tôi", quan chức này nói thêm.
Lực lượng Nga đã kiểm soát 2/3 lãnh thổ Zaporizhzhia, tỉnh có dân số khoảng 1,6 triệu người và là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất ở đông nam Ukraine.
Đây cũng là nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia với 6 trong tổng số 15 lò phản ứng hạt nhân trên toàn lãnh thổ Ukraine, là nơi sản xuất 19% lượng điện của nước này trong năm 2020 và là một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Ông Rogov đầu tháng này thông báo kế hoạch trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga trong năm nay. Theo ông, kết quả trưng cầu dân ý sẽ có hiệu lực nếu trên 50% người dân bỏ phiếu đồng ý.
Chính quyền trung ương Ukraine đã bác bỏ kế hoạch sáp nhập này và khẳng định người dân Zaporizhzhia sẽ không bỏ phiếu về vấn đề sáp nhập vào Nga.
Bức tường Berlin được xây vào năm 1961, nằm ngăn người dân Đông Đức sang Tây Đức. Ranh giới hai phía của thành phố ban đầu chỉ là hàng rào dây thép gai và tường gạch, sau đó được xây thêm ụ súng, công sự và trạm gác trên suốt chiều dài 160 km.
Ngày 9/11/1989, nhà lãnh đạo Đông Đức Egon Krenz hủy bỏ hạn chế đi lại với người dân. Đây cũng là ngày đánh dấu sự sụp đổ của Bức tường Berlin, khi trạm kiểm soát đầu tiên mở ra, cho phép người ở hai phía qua lại. Đây được coi là một trong những sự kiện dẫn tới kết thúc Chiến tranh Lạnh, cũng như thống nhất nước Đức vào năm 1990.
Huyền Lê (Theo Guardian)