"Xét về cả tầm nhìn trung và dài hạn, không có nguy cơ chúng ta bị giảm khả năng chiến đấu. Thực tế, trước khi cuộc nổi loạn diễn ra, không có thành viên nào của Wagner ở tiền tuyến, tất cả họ đều ở trong doanh trại", Andrey Kartapolov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện), nói ngày 3/7.
"Về vấn đề thay thế Wagner trong đội dự bị, chúng ta có nhân lực để đảm nhận. Sẽ không cần mở đợt huy động mới", Kartapolov nói thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 9/2022 phát lệnh động viên một phần để tăng cường lực lượng tới Ukraine. Tới tháng 11/2022, Nga thông báo huy động được 318.000 quân, vượt 18.000 người so với mục tiêu ban đầu của lệnh động viên. Hôm 13/6, trước khi Wagner nổi loạn, ông Putin khẳng định nước này không cần phát thêm lệnh động viên.
Nhóm Wagner đã đóng vai trò quan trọng trong việc giành một số thị trấn phía đông của lực lượng Nga, bao gồm cả Bakhmut, nơi diễn ra cuộc chiến kéo dài và đẫm máu nhất.
Trùm Wagner Prigozhin từ tháng 8/2022 được phép chiêu mộ tù nhân Nga, trực tiếp tới các nhà tù để thuyết phục phạm nhân ký hợp đồng phục vụ cho lực lượng của ông tại Ukraine. Đổi lại, họ sẽ được ân xá sau 6 tháng tham chiến. Từ hồi đầu tháng 2, Wagner đã ngừng việc tuyển mộ kiểu này.
Sau cuộc nổi loạn 24 giờ hôm 24/6, Prigozhin và một số tay súng Wagner rời Nga tới Belarus, dưới sự trung gian của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Hình ảnh vệ tinh hôm 30/6 cho thấy dường như doanh trại cho Wagner đang được xây dựng tại một căn cứ quân sự cũ bên ngoài Osipovichi, thị trấn Belarus cách biên giới Ukraine 230 km về phía bắc.
Ông Lukashenko hôm 27/6 nói rằng không có ý định để Wagner mở trung tâm tuyển mộ ở nước này, nhưng hoan nghênh họ đến chia sẻ kinh nghiệm chiến đấu cho binh sĩ Belarus.
Ngọc Ánh (Theo AFP)