"Tôi đã sống không có Facebook trong bốn năm và cuộc sống thật tuyệt vời. Liên minh châu Âu là thị trường nội bộ với nhiều nền kinh tế lớn đến mức nếu hành động thống nhất, chúng ta sẽ không bị đe dọa bởi những thứ như thế này", Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Đức bình luận trước thông tin Meta nói họ có thể sẽ phải đóng Facebook và Instagram tại châu Âu.
Trong khi đó, Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp cũng khẳng định EU sẽ chống lại các hành vi vi phạm quyền riêng tư và khẳng định chủ quyền của mình. "Tôi có thể chắc chắn cuộc sống sẽ rất tốt nếu không có Facebook", ông nói.
Hai quan chức này đều nhấn mạnh Meta sẽ phải tuân thủ các quy định mới của EU, nếu không các nền tảng mạng xã hội của công ty sẽ bị cấm trên toàn châu Âu.
Những bình luận cứng rắn của Habeck và Le Maire được đưa ra chỉ một ngày sau khi Meta gửi báo cáo thường niên đến Ủy ban Chứng khoán Mỹ. Trong đó, công ty lo ngại luật châu Âu có thể yêu cầu dữ liệu người dùng chỉ được lưu trữ và xử lý trên máy chủ đặt tại đây, khiến hoạt động của Facebook và Instagram bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tháng 8/2020, Meta nhận được dự thảo từ Ủy ban bảo vệ dữ liệu Ireland (IDPC), trong đó nêu việc chuyển dữ liệu của Meta giữa Mỹ và châu Âu là vi phạm Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR). Dù mới là dự thảo, công ty sở hữu Facebook, Instagram vẫn lo ngại quyết định cuối cùng có thể được ban hành vào nửa đầu năm 2022.
Ủy ban châu Âu có danh sách Các điều khoản tiêu chuẩn trong hợp đồng (SCC) liên quan đến truyền tải dữ liệu quốc tế. Trong trường hợp khung quy định mới được ban hành, Meta không thể tiếp tục cung cấp các sản phẩm mạng xã hội của mình tại đây, bao gồm cả Facebook và Instagram. "Chúng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và gây bất lợi đến tình hình kinh doanh và tài chính của công ty", báo cáo của Meta có đoạn.
Hoài Anh (theo Bloomberg)