Phiên trình bày lời khai trước Tòa án Tối cao British Columbia, Canada sáng 10/12 phải hoãn hơn một giờ sau khi công tố viên đại diện cho chính phủ Canada tiết lộ Nicole Goodman, giám đốc Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) tại sân bay Vancouver, đã liên hệ với một nhân viên Bộ Tư pháp Canada để hỏi về đặc quyền giữa luật sư và thân chủ.
Công tố viên John Gibb-Carsley nói trước tòa rằng Goodman, người phụ trách 250 nhân viên biên phòng tại Sân bay Quốc tế Vancouver khi Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt, đã liên lạc với nhân viên Bộ Tư pháp, người không liên quan trực tiếp đến vụ án, hôm 9/12 với lo ngại một số lời khai của bà vi phạm đặc quyền bảo mật thông tin giữa luật sư và thân chủ.
Mona Duckett, luật sư của Mạnh Vãn Chu, hỏi Goodman rằng liệu bà có hiểu yêu cầu thẩm phán đưa ra trước đó một ngày là không thảo luận về lời khai của bà trước tòa với người khác hay không. "Tôi hiểu", Goodman trả lời.
Phó chánh án Heather Holmes nhắc nhở Goodman trả lời đầy đủ và trung thực, và bà được khuyên không nên bận tâm đến các vấn đề đặc quyền luật sư - thân chủ trong tương lai.
Luật sư Duckett hỏi Goodman liệu lời khai "không đầy đủ" của bà có phải là hành vi lừa gạt tòa án hay không. Goodman trả lời bà không biết liệu nó có gây hiểu lầm. Một công tố viên phản đối và phó chánh án Holmes khuyên Duckett chuyển hướng câu hỏi.
Cuối phiên tòa ngày 10/12, các câu hỏi chuyển sang tập trung vào mật khẩu các thiết bị điện tử của Mạnh Vãn Chu, do CBSA thu thập và vô tình được chuyển cho các sĩ quan Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP). Goodman trước đó khai rằng bà được cấp trên chỉ thị dừng ghi chép hồ sơ liên quan vụ này vì chúng có thể sẽ được sử dụng trước tòa.
"Nếu không được chỉ thị như vậy, liệu bà có ghi ở đâu đó, trong báo cáo, email, hay một cái gì đó rằng 'chúng tôi gặp sự cố, có những mật khẩu có khả năng bị công bố, chúng tôi cần điều tra cái này?' hay không", Duckett hỏi.
Goodman trả lời có. "Đó có lẽ là điều duy nhất khiến tôi trăn trở", bà nói thêm và lau nước mắt.
Mạnh Vãn Chu, con gái người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt theo yêu cầu của Mỹ tại Sân bay Quốc tế Vancouver ngày 1/12/2018 vì cáo buộc lừa gạt ngân hàng trong các giao dịch của Huawei với Iran, có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt thương mại của Washington với Tehran.
Mạnh, 48 tuổi, phủ nhận các cáo buộc và phản đối việc bị dẫn độ sang Mỹ, cho rằng động thái này lạm dụng quy trình tố tụng.
Các luật sư của Mạnh Vãn Chu lập luận giới chức Mỹ và Canada đã phối hợp trước khi bắt bà, sử dụng quyền điều tra của CBSA để thẩm vấn bà mà không có mặt luật sư. Họ cũng cáo buộc thông tin cá nhân do CBSA thu thập đã được chia sẻ một cách không phù hợp với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Trong khi đó, công tố viên khẳng định cuộc điều tra và quy trình bắt Mạnh Vãn Chu tuân theo quy trình tố tụng và việc dẫn độ sẽ được tiến hành.
Goodman cũng làm chứng rằng sĩ quan biên phòng từng thừa nhận trao nhầm mật khẩu thiết bị của bà Mạnh cho cảnh sát đã không bị điều tra hoặc kỷ luật, dù vi phạm chính sách về chia sẻ thông tin. Việc biên phòng Canada cung cấp mật khẩu các thiết bị điện tử của Mạnh Vãn Chu cho cảnh sát trở thành tiêu điểm trong vụ án, khi các luật sư nói rằng điều đó vi phạm quyền công dân của bà.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Canada đã trở nên căng thẳng kể từ khi Mạnh Vãn Chu bị bắt. Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig với cáo buộc gián điệp, một động thái dường như để trả đũa.
Huyền Lê (Theo Reuters)