Thứ năm, 28/3/2024
Chủ nhật, 14/7/2019, 14:30 (GMT+7)

Quán cà phê kiểu Nhật cho khách tự pha chế ở Sài Gòn

Quán được thiết kế nhằm tái hiện một khu phố cổ ở Nhật, cho khách chọn hạt cà phê rồi tự pha chế để ra món đồ uống như ý.

Một quán cà phê trên đường Hoa Mai (quận Phú Nhuận, TP HCM) thu hút du khách với tông màu đỏ rực từ ngoài vào trong. Quán được thiết kế theo phong cách văn hóa Nhật Bản, mới hoạt động gần một tháng nay.

Quán có diện tích hơn 250 m2, gồm ba tầng. Mỗi tầng trang trí nhiều hình ảnh tượng trưng của xứ sở mặt trời mọc. Quầy pha chế treo nhiều lồng đèn, vẽ và dán tranh ảnh về mèo thần tài Maneki Neko của nước Nhật.

Ở các tầng khác, hình ảnh mèo thần tài cũng xuất hiện khắp mọi góc từ cửa ra vào, cửa sổ, hành lang đến trần nhà. Mèo Maneki Neko là một dạng bùa cầu may phổ biến trong văn hóa Nhật Bản, được dùng với ý nghĩa cầu mong sức khỏe, bảo vệ khỏi những kẻ quấy rối, tà ma, bệnh tật... cho gia chủ.

"Tôi vốn đam mê văn hóa truyền thống Nhật, mang nhiều nét riêng đặc sắc. Sau vài lần sang Nhật, đi những quán xá bên đó thấy thú vị nên tôi mở quán cà phê mô phỏng hình ảnh đất nước này", anh Trần Tuấn (chủ quán) cho biết.

Những căn phòng trong quán được người chủ tái hiện giống như con phố cổ Shinjuku Omoide Yokocho ở thủ đô Tokyo. Đây là con phố có tuổi đời gần trăm năm, thu hút du khách với những quán bar, cà phê, rượu, mì Ramen... san sát nhau.

Trước đó, chủ quán phải tham khảo nhiều hình ảnh, tư liệu. Những chiếc lồng đèn, tranh ảnh, rèm treo... đều được nhập từ Nhật Bản. Bàn ghế phải thuê thợ đóng riêng, trong đó ghế không có tựa lưng đúng kiểu Nhật.

Tông màu đỏ nổi bật trong quán. Với người Nhật, màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, sự may mắn, đam mê, nhiệt huyết. Màu đỏ thường xuất hiện trong lễ Tết, cưới hỏi, tốt nghiệp và ở các cơ sở tôn giáo.

Quán có sân thượng rộng, trang trí nhiều đèn lồng. Nổi bật là cờ cá chép Koinobori được treo trên cây sào. Koinobori tượng trưng cho hình ảnh "cá vượt vũ môn", bơi ngược dòng thác. Việc treo cờ để chào mừng ngày lễ kỷ niệm Tango no Sekku hay còn gọi là ngày lễ bé trai Nhật Bản.

Theo chủ quán, anh mất hơn một tháng để trang trí. Trong đó, công đoạn khó nhất là vẽ lên các bức tường, cửa sổ... bởi các hình ảnh quá nhiều chi tiết.

Khách vào quán còn có thể chọn các loại hạt cà phê theo sở thích rồi tự pha. Trong thực đơn đều ghi rõ màu sắc, hương vị, đặc tính của các loại hạt để thực khách chọn được thức uống đúng điệu nhất. Theo chủ quán, các loại cà phê được lấy trực tiếp từ nông trại ở Đà Lạt và Đăk Lăk.

Nếu khách tự pha, nhân viên sẽ chuẩn bị nước, hạt cà phê, bình syphon pha chế... và hướng dẫn cơ bản các cách pha.

"Cách pha bằng bình syphon khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới nhưng giờ mình mới biết. Nhờ tự pha, mình có thêm trải nghiệm mới mẻ về thưởng thức cà phê", bạn Khánh Hoàng chia sẻ.

Giá cà phê trong quán dao động từ 30.000 đến 40.000 đồng. Nếu khách tự pha sẽ phụ thu thêm phí khoảng 15.000 đồng.

Quỳnh Trần

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net