Ông Hung, 50 tuổi, dành cả buổi tối để lên mạng nghe những bài hát và xem phim thập niên 1980, trước khi chìm vào giấc ngủ, theo SCMP.
"Những ca khúc và phim ảnh gợi nhớ cho tôi về một thời tuổi trẻ tươi đẹp. Thiếu chúng, tôi chẳng còn gì ngoài ký ức đau buồn", ông Hung nói.
Ông sa chân vào cờ bạc ở lứa tuổi 20, sau khi mất công việc pha chế ở một quán karaoke nhỏ. Hung tới Macau chơi bài để giải tỏa căng thẳng và mắc nợ hơn 51.000 USD. Dù gia đình đã giúp trả nợ, Hung vẫn phải sống trong nỗi xấu hổ.
Ông rời nhà vào năm 28 tuổi, để lại mẹ và hai anh chị, bắt đầu cuộc sống khó khăn ở nơi đất chật người đông như Hong Kong và cuối cùng sống vất vưởng ở những quán cà phê Internet. Tháng trước, ông chuyển tới khu ký túc mới ở Tai Kok Tsui do tổ chức phi chính phủ (NGO) SoCO điều hành.
Ông Hung từng là một trong 2.000 người vô gia cư ở Hong Kong. Chính quyền Hong Kong cho biết khoảng 1.127 người đăng ký ngủ trên đường phố trong giai đoạn 2017-2018, tăng hơn 40% trong 5 năm qua. Tuy nhiên, các tổ chức NGO và nhà nghiên cứu cho rằng con số thực tế cao hơn nhiều.
"Rất khó để biết chính xác lượng người vô gia cư, những người nghỉ đêm ở cửa hàng tiện lợi hay trong các tòa nhà cũ kỹ. Tôi cho rằng con số này phải gấp đôi mức mà chính quyền thống kê", Wong Hung, giáo sư Đại học Trung Quốc, nhận định.
Tháng trước, một người giao thức ăn chết vì trụy tim khi qua đêm tại quán cà phê ở quận Sham Shui Po. Cái chết làm nổi bật tình trạng "người vô gia cư vô hình" mà Wong đề cập, cũng như những gì mà chính quyền Hong Kong và xã hội nên làm để giúp đỡ họ.
Đa số người vô gia cư đều có việc làm, nhưng không có chỗ ngủ bởi không đủ tiền thuê nhà. Theo số liệu công bố tháng trước, Hong Kong đạt con số kỷ lục khi có 1,37 triệu người sống dưới mức nghèo khổ với thu nhập dưới 510 USD/tháng. Họ ngủ trên đường phố, được vào nhà ở xã hội rồi lại tiếp tục quay về đường phố khi hết hạn.
Giá nhà và giá thuê trọ đắt đỏ, cùng chính sách thiếu toàn diện khiến số lượng người ngủ ngoài đường ở Hong Kong tăng nhanh trong những năm qua.
Ng Wai-tung, một nhân viên xã hội chuyên giúp đỡ những người như Hung, cho rằng chính quyền nên lập một cơ quan tập trung để cải thiện vấn đề này. Các nhà tạm trú hiện nay do Sở Nội vụ điều hành, trong khi Sở Phúc lợi xã hội lại đảm nhận việc tiếp cận người vô gia cư. Ng cho rằng Hong Kong nên áp dụng chính sách như thành phố New York của Mỹ, nơi có Sở Vô gia cư riêng.
"So sánh với những nơi như Mỹ, biện pháp mà chúng ta đang áp dụng hiện nay quá sơ sài", Ng nói.
7 năm trước, ông Hung đang sống trong một căn hộ chia nhỏ thì được bạn đề xuất tới nơi hấp dẫn hơn là quán cà phê Internet. Vài năm qua, các quán cà phê Internet là lựa chọn phổ biến hơn so với cửa hàng ăn nhanh mở cửa 24h. Đối với Hung, các quán cà phê cung cấp mọi thứ ông cần như sự an toàn, nơi tránh rét, tránh nóng, kèm theo nước uống và phương tiện giải trí. Thứ duy nhất còn thiếu là chiếc giường.
"Ghế ngồi đủ rộng vì chúng thiết kế cho người chơi game, tôi vẫn có thể duỗi thẳng chân. Tôi luôn bị đau cơ và khớp, đau thắt lưng nữa", Hung nói.
Với ông, ngủ ở quán cà phê mạng thích hơn những nơi như hàng ăn nhanh, nơi Hung kể rằng nhân viên sẽ đánh thức ông "ít nhất 8 lần một đêm". "Còn nếu ngủ ngoài đường, những người đàn ông qua lại sẽ quấy rầy tôi, người thì lấy cắp đồ, cảnh sát thì đánh thức. Tôi luôn phải ngủ mắt nhắm mắt mở", Hung nói thêm.
Theo khảo sát hồi tháng 3 của SoCO, những người ngủ ngoài đường có thu nhập trung bình 1.270 USD/tháng. "Khi bạn không kiếm được nhiều tiền nhưng phải dành tới một phần ba thu nhập để thuê nhà. nơi ở sẽ trở thành gánh nặng", Ng nói.
Với Hung, ông từng phải trả 510 USD/tháng cho một căn phòng đầy rệp và chuột, không có cửa sổ hay điều hòa. Do đó, nghỉ trong tiệm cà phê Internet có điều hòa với chưa đầy 5 USD mỗi đêm là lựa chọn tốt hơn nhiều.
Dù đang làm nhân viên giao hàng với thu nhập khoảng 1.900 USD/tháng, Hung vẫn cảm thấy không đủ khả năng chi trả 510 USD cho một phòng cỡ 9 mét vuông trong căn hộ chia nhỏ ở Sham Shui Po, quận nghèo nhất Hong Kong.
"Tôi cần tiền mua đồ ăn, thức uống, đi lại, thuốc lá, giặt quần áo, điện thoại... Tôi có thể tiết kiệm để mua một căn hộ nhỏ, nhưng nó không đáng", Hung bày tỏ.
Ông cũng không muốn về nhà. "Tôi khiến gia đình mệt mỏi, xấu hổ, giờ tôi phải sống chung với hậu quả mà tôi gây ra, dù phải qua đêm ở quán cà phê. Ít nhất thời gian cũng trôi nhanh hơn khi ta ngồi máy tính", Hung cho hay.
Từ khi Cheng Yiu-chung mở quán cà phê Internet đầu tiên tại một nhà máy cũ ở Shek Tong Tsui cách đây 10 năm, tiền thuê đã tăng gấp đôi nhưng khách hàng thì không.
Cửa tiệm rộng hơn 80 m2, đầy mùi mồ hôi và thức ăn nhanh. Đèn huỳnh quang màu trắng phát ra ánh sáng nhợt nhạt trên gương mặt cáu kỉnh của những khách hàng chủ yếu là đàn ông.
Những ngày đầu, nhiều thanh niên và sinh viên xếp hàng dài ngoài cửa tiệm hai tầng, nhưng bây giờ chỉ hai phần ba trong số 90 máy tính có người ngồi vào những ngày trời đẹp.
Cheng, 52 tuổi, dựa vào lượng khách quen để duy trì việc kinh doanh, gồm thanh niên tới chơi game và người tìm nơi ở tạm thời. Một trong số khách hàng như vậy là Fung, 30 tuổi. Khác Hung, Fung có nhà nhưng chỉ ở nhà ba ngày một tuần để tránh phải nghe mẹ cằn nhằn.
Làm nghề giao hàng và mỗi tháng kiếm được 1.400 USD, thu nhập của Fung không đủ ra ở riêng. "Dù tìm được việc tốt hơn, tôi vẫn không đủ tiền thuê nhà", Fung nói.
Cheng gọi những khách thường xuyên tới quán như Hung là khách VIP. "Họ cũng giống tôi, cũng là người lao động nghèo", Cheng cho biết. Ông khẳng định thu nhập sẽ giảm đáng kể nếu tiền thuê tăng gấp đôi lên 2.550 USD/tháng.
Cheng cho biết lượng khách VIP bắt đầu nhiều lên từ ba năm trước và tiệm của ông đang cung cấp chỗ ngủ cho 8-10 người mỗi đêm với giá 7 USD. Ông sẵn lòng để họ vào trong quán nghỉ ngơi nếu không làm phiền người khác. "Rất sòng phẳng. Họ trả tiền tôi, tôi cho họ chỗ ngồi", Cheng nói.
Về phần Hung, ông đã chuyển từ quán này sang quán khác ở Sham Shui Po và Shek Kip Mei.
"Hết quán này tới quán kia phải đóng cửa", Hung nói về 5 tiệm cà phê Internet mà ông hay lui tới trong những năm qua. "Tuy nhiên, tôi không lo lắng về việc chẳng còn quán nào để đi, vì có rất nhiều người như tôi vẫn có nhu cầu".