Nhắc đến ẩm thực Huế, người ta thường nghĩ đến món bún bò nổi tiếng mà ít biết rằng cố đô còn có đặc sản bún chả cua giò heo. Món bún chả cua giò heo của chị Võ Thị Sương là bữa sáng, trưa của rất nhiều người sống gần đường số 5, Tạ Quang Bửu, quận 8, TP HCM từ nhiều năm nay.
Chị Sương cho biết có rất ít người bán món bún chả cua, bởi ngoài phần chả người Huế còn cho thêm thịt bò tái hoặc gân bò. "Vì gia đình mình không ăn được thịt bò và những món ăn có mùi bò nên mình thay bằng giò heo. Thật vui vì thực khách thấy vừa miệng và ủng hộ", chị nói.
Bún chả cua giò heo có nước dùng thanh, thơm mùi sả nhẹ do được nấu từ đường phèn, xương heo hầm trong nhiều giờ bằng than củi nên đượm mùi khói. "Mình dùng hơn 200 kg xương heo các loại như xương sống, xương sườn, xương đùi để nấu 5 nồi nước dùng gần 800 lít", chị Sương cho hay.
"Ngày mới vào TP HCM, gia đình mình làm chả để kiếm sống, nhưng lúc đó kinh tế còn khó khăn, bán chả không đủ tiền nuôi 3 con nên mình tìm vỉa hè để bán bún kiếm thêm. Nhờ trời thương, khách ăn rồi ủng hộ, giúp đỡ mà mình mới bán tới giờ. 16 năm từ một quán vỉa hè đến khi mở được một tiệm có mặt bằng đàng hoàng cũng lắm gian nan", chị Sương nói.
Một tô bún thập cẩm gồm chả cua, chả lụa, giò heo và huyết. Ăn kèm còn có dĩa rau sống gồm giá, bắp chuối bào, xà lách, ngò rí, húng quế. Chả cua là điểm nhấn của tô bún này với phần thịt càng cua biển quết nhuyễn rồi trộn với thịt nạc heo có độ dai và vừa ăn.
Quán dùng bún tươi sợi nhỏ - điểm trừ với một số thực khách quen ăn bún bò sợi to tại các quán Huế thông thường. Tuy nhiên, nước dùng được đánh giá cao nhờ không dùng xương bò nên vị thanh hơn.
Quán bán từ 6h30 đến 13h mỗi ngày, khách đến quán đông nhất từ 7h đến 8h30. Vào ngày cuối tuần, quán có thể bán đến 1.300 tô bún. Mỗi tô bún có giá 50.000 đồng.
Huỳnh Nhi