Theo Japan Times, nhân viên ở đây ăn vận đẹp, tóc tai chải chuốt và trang điểm kỹ lưỡng, luôn mỉm cười nhã nhặn với khách hàng. Sự khác biệt duy nhất là họ không tô vẽ móng tay - một phần tất yếu trong xu thế thời trang của phụ nữ Nhật.
Kuriko, 31 tuổi, quản lý Onnanoko Club (Câu lạc bộ Thiếu nữ) đang ngồi trong phòng trang điểm. Quán bar này chào đón mọi người muốn tới thử ăn mặc như phụ nữ, hay trò chuyện với các nhân viên nam mặc đồ nữ.
Kuriko ngồi trên một chiếc sofa màu hồng, dáng điệu như một phụ nữ đầy tự tin. Có điều, anh tự mô tả mình là nam giới chính hiệu.
"Trong đời tư, tôi là đàn ông. Đương nhiên là thế, tôi chỉ ăn vận như phụ nữ vì công việc. Điều này vừa khiến tôi mệt mỏi, lại vừa khiến tôi thỏa mãn", Kuriko nói, miệng nhấp một ly trà đá. Anh từng làm bất động sản trước khi chuyển sang công việc này.
Onnanoko Club không phải là quán bar trình diễn, nơi vũ công mặc trang phục diêm dúa và biểu diễn cho khách xem, mà là một nơi thư giãn. Sau giờ tan tầm, đàn ông có thể đến thẳng đây, trên người vẫn mặc đồ công sở rồi tự thưởng thức vẻ nữ tính của mình bằng cách thay trang phục.
Trong một góc quán bar là khu vực treo quần áo. Mọi kiểu mốt từ áo khoác không tay cho đến áo ren tay phồng, đều được cập nhật ở đây. Những miếng sticker đầy màu sắc dán dầy trên tấm gương dài phía sau giá treo quần áo. cùng với núi mỹ phẩm, tóc giả, sản phẩm dưỡng da tay cho khách hàng lựa chọn.
Theo Kuriko, những bộ đồ được ưa chuộng nhất lại không phải những bộ thời trang nhất - loại bây giờ các stylish nữ hay mặc.
"Tôi thích nhìn khách hàng mặc trang phục màu trắng, kết hợp với nhiều màu rực rỡ khác, nhưng ban đầu họ thường có xu hướng chọn màu sắc nhẹ nhàng do ảnh hưởng từ gu thời trang nam giới", Kuriko nói.
Quán bar chào đón cả đàn ông và phụ nữ, bất kể đó là người mới thử nghiệm mặc trang phục nữ, hay là những chuyên gia thời trang sành điệu, hoặc chỉ đơn thuần tò mò ghé qua.
Kuriko cảm thấy thỏa mãn khi nhiều khách quen bắt đầu tự tin vào bản thân hơn trước mặt anh.
"Có lẽ lần đầu đến đây, họ không đổi trang phục nữ mà chỉ ngồi yên lặng quan sát. Nhưng lần đến tiếp theo, họ sẽ thử nghiệm, nhận ra mình đẹp thế nào và tiếp tục lặp lại cho đến khi thoát khỏi vỏ ốc của mình", Kuriko nói.
Bất chấp một đêm chủ nhật lạnh buốt tháng 12, tiếng cười đùa và âm nhạc vẫn vang lên từ đường phố Nichome. Ngoài vỉa hè một quán bar là nhóm trai tráng ăn mặc sành điệu đang ngồi tán dóc, một vài cặp nam nữ tay trong tay nhàn nhã tản bộ. Một tấm biển quảng cáo lớn khuyến khích nên thường xuyên đi xét nghiệm HIV nổi bật giữa phố.
"Nichome trước đây là một cộng đồng khép kín, nhưng trong bối cảnh suy thoái kinh tế những năm gần đây, những quán bar dành cho gay phải mở cửa cho 'người ngoài' vào để tồn tại", Kuriko giải thích.
Anh rất vui với sự tươi mới này, nhưng những người chủ sở hữu và khách quen ở những quán bar gay lâu đời cảm thấy bị đe dọa, chỉ muốn quay về "Nichome ngày trước".
Những quán bar như vậy khép mình, chỉ cho phép những người đăng ký làm thành viên lai vãng, hoặc chuyển tới khu vực khác ở Tokyo, Kuriko nói.
Sự ra đời của mạng truyền thông xã hội cũng mang lại nhiều thay đổi cho nơi này.
"Mỗi nhân viên của tôi có thể trở thành siêu sao theo cách riêng, nhờ vào lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội", Kuriko giải thích. Anh phát hiện mình yêu thích cả nam lẫn nữ hồi trung học, tán dương những tiến bộ gần đây đối với nhóm người có xu hướng tình dục thiểu số ở Nhật Bản, chẳng hạn như chính quyền quận Shibuya hồi tháng 3/2015 cho phép kết hôn đồng tính.
"Tuy nhiên, tôi vẫn lo ngại về những vấn đề liên quan tới LGBT bị truyền thông đưa tin quá mức, không theo cách đúng đắn mà lại coi đó là một xu thế", Kuriko nói. "Chúng tôi vẫn còn chặng đường dài phải cố gắng".
Kuriko thừa nhận khả năng việc nam giới ăn mặc như phụ nữ sẽ gây bất bình trong cộng đồng người chuyển giới. Có thể họ sẽ coi sở thích này làm tầm thường hóa cuộc đấu tranh đòi quyền công nhận của mình.
"Đa số đàn ông mặc trang phục nữ đều cực kỳ tôn trọng những người chuyển giới nữ và công nhận sự khác biệt giữa hai bên", Kuriko nói. "Đó là một trong những lý do quan trọng buộc chúng tôi không được phép làm ô uế việc này cũng như khiến người ta có cái nhìn tiêu cực khi ăn vận như phụ nữ".
"Chúng tôi không muốn làm tổn thương ai, còn tôi thực sự nghĩ rằng ăn mặc như thế chẳng có hại gì, chỉ có lợi", anh nhận định.
Kuriko nói ăn mặc như phụ nữ là điều cần thiết để tạo ra sự đồng cảm giữa các giới trong xã hội, nơi mà nhiều phụ nữ cảm thấy áp lực khi luôn phải ăn mặc và trang điểm kỹ càng kể cả lúc ra chợ.
"Đây không phải là việc mà mỗi người đàn ông khi mặc trang phục phụ nữ phát hiện ra mình thích nó, mà theo ý tôi, mỗi người họ sẽ hiểu và thông cảm được cho phụ nữ qua trải nghiệm này", Kuriko nói.
Đàn ông sẽ mở to mắt và phát hiện phụ nữ nỗ lực bao nhiêu để duy trì dáng vẻ theo kỳ vọng của cánh mày râu, Kuriko giải thích.
"Khi một người đàn ông cảm thấy sự khó chịu lúc phải đi giày cao gót, anh ta sẽ không đưa người phụ nữ đang đi giày cao gót tới chỗ cô ấy sẽ phải đứng lâu. Và nếu đàn bà họ có đến trễ một chút, anh ta sẽ hiểu được họ đã bỏ nhiều thời gian trang điểm khiến mình đẹp hơn", Kuriko nói.
Reiki, 24 tuổi, một nhân viên của Onnanoko Club lại không đồng tình với suy nghĩ của Kuriko.
"Ăn mặc như phụ nữ sẽ giúp đàn ông hiểu được sự phiền toái của phụ nữ khi phải duy trì vẻ ngoài nữ tính, nhưng thật sai lầm nếu cho rằng nó sẽ chấm dứt những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt trong đời thường".
Tuy nhiên Kuriko vẫn lạc quan khi nghĩ về tương lai.
"Tôi ước gì được nhìn thấy một xã hội nơi đàn ông có cơ hội thử mặc đồ nữ ít nhất một lần trong đời - đó là một nơi cởi mở và ấm áp mà nước Nhật nên hướng tới".
Hồng Hạnh