Yêu cầu khẩn này do PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan (Giám đốc Ban quản lý an toàn thực phẩm) gửi đến UBND 24 quận huyện tại TP HCM.
Từ sáng nay đến hết ngày 15/4, tất cả cơ sở dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng cho khách mang đi, bán online. Chủ quán và nhân viên phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa 2 người.
Các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể của công ty, vẫn hoạt động bình thường nhưng phải giảm số lượng người ăn trong cùng một lúc và đảm bảo tuyệt đối các quy định trên.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh TP HCM ráo riết thực hiện các biện pháp mạnh nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng. Trước đó, toàn bộ cơ sở ăn uống có quy mô trên 30 người, bida, phòng gym, spa, tiệm hớt tóc... phải dừng hoạt động từ tối 24/3.
Chiều 27/3, sau khi Thủ tướng có chỉ thị thực hiện biện pháp khẩn chống dịch, Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm yêu cầu các điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện, khu tập luyện thể thao công cộng cũng phải đóng cửa. Hạn chế triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có từ 20 người trở lên.
Chỉ các cửa hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, xăng dầu, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thực hiện theo hướng dẫn của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố.
TP HCM cũng hạn chế giao thông ra vào thành phố từ 0h ngày 28/3 như: giảm 60% công suất chuyến, các xe chở không quá 20 người, phải đeo khẩu trang và khai báo y tế.
Đến sáng nay TP HCM ghi nhận 46 ca nhiễm nCoV, trong đó 10 người đã bình phục, bao gồm 3 ca trước đó. 7 trường hợp nghi ngờ đang đợi kết quả xét nghiệm; 9.199 người được theo dõi tại các khu cách ly tập trung của thành phố; 511 người theo dõi tại các khu cách ly quận huyện và 1.536 người cách ly tại nhà.
Hữu Công